Sau dữ liệu ngành sản xuất tích cực, đơn đặt hàng tăng vọt, các dữ liệu vừa công bố thêm cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khá ổn định.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm 1,7% trong năm 2019, xuống còn 616,8 tỷ USD, lần đầu tiên giảm kể từ năm 2013.
Trong khi đó, báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân (ADP) cho thấy, bảng lương ADP đã tăng vọt với 291.000 việc làm được tạo thêm trong tháng 1, nhiều nhất kể từ tháng 5/2015, trong khi một báo cáo riêng cho thấy, hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã tăng trong tháng 1, cho thấy nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong năm nay ngay cả khi chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại.
Những dữ liệu kinh tế tích cực trên giúp giới đầu tư bỏ qua nỗi lo sợ sự bùng phát của virus Corona để mạnh tay xuống tiền mua vào cổ phiếu, đẩy phố Wall có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp.
Trong đó, S&P 500 và Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, nhưng đà tăng của Nasdaq phiên này bị hãm lại khi cổ phiếu Tesla giảm tới hơn 17% sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Dow Jones tăng 483,22 điểm (+1,68%), lên 29.290,85 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,10 điểm (+1,13%), lên 3.334,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 40,71 điểm (+0,43%), lên 9.508,68 điểm.
Sau những phút rung lắc lúc mở cửa phiên thứ Tư, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt trở lại nhanh chóng sau đó sau kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp được công bố, cùng với các báo cáo từ Anh và Trung Quốc cho biết, các nhà nghiên cứu đang tiến hành bào chế vác-xin để điều trị virus Corona.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 42,66 điểm (+0,57%), lên 7.482,48 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 196,59 điểm (+1,48%), lên 13.478,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 50,35 điểm (+0,85%), lên 5.985,40 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên hồi phục tốt trong ngày thứ Tư khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Trung Quốc bơm hơn 240 tỷ USD vào thị trường và sự khởi sắc của phố Wall trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 234,97 điểm (+1,02%), lên 23.319,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 34,80 điểm (+1,25%), lên 2.818,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,76 điểm (+0,42%), lên 26.786,74 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 7,73 điểm (+0,36%), lên 2.165,63 điểm.
Trên thị trường vàng, sau phiên lao dốc mạnh trước đó, giá vàng đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư nhờ lực cầu bắt đáy kỹ thuật sau khi giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 5/2, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,19%), lên 1.555,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 7,4 USD (+0,48%), lên 1.557,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,3 USD (+0,47%), lên 1.562,8 USD/ounce.
Báo cáo về việc sắp có vắc-xin phòng virus Corona giúp tạo kỳ vọng về việc dịch bệnh sẽ được kiểm soát, qua đó giúp kinh tế hồi phục, làm gia tăng nhu cầu dầu mỏ, đã đẩy giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Tư sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp trước đó vì lo ngại virus Corona.
Ngoài ra, việc OPEC và đồng minh họp bàn để cắt giảm thêm sản lượng cũng hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của giá dầu thô.
Kết thúc phiên 5/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,14 USD (+2,3%), lên 50,75 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,32 USD (+2,5%), lên 56,46 USD/thùng.