Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hướng sự quan tâm sang “lục địa già”

(ĐTCK) Cuộc đàm phán Brexit, cùng với việc Chính phủ Ý đặt kế hoạch thâm hụt ngân sách cao hơn dự kiến, gây mâu thuận với EU khiến giới đầu tư lo lắng sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới.

Sau khi Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận thương mại và trước đó là với Mexico để tạo ra NAFTA mới, nhiều cổ phiếu nhạy cảm với thương mại đã tăng mạnh, giúp Dow Jones lên mức cao kỷ lục mới.

Ngoài phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Ba đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ rất tích cực cũng giúp tâm lý nhà đầu tư hứng khởi.

Tuy nhiên, việc cổ phiếu Facebook có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 1,9% (sau 3 phiên mất 5,6%) sau thông tin bị hack làm lộ thông tin của 50 triệu tài khoản khiến S&P 500 và Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Dow Jones tăng 122,73 điểm (+0,46%), lên 26.773,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,16 điểm (-0,04%), xuống 2.923,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 37,76 điểm (-0,47%), xuống 7.999,55 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm do nỗi lo về tình hình của nước Ý và bế tắc trong đàm phàn Brexit.

Kết thúc phiên 2/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,12 điểm (-0,28%), xuống 7.474,55 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 51,45 điểm (-0,42%), xuống 12.287,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 38,92 điểm (-0,71%), xuống 5.467,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp được công bố vào cuối tháng này. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lao dốc xuống mức thấp nhất 2 tuần khi ông Trump cho biết, còn quá sớm để đàm phán thương mại với Trung Quốc. Chứng khoán Trung Quốc vẫn trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh.

Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 127,52 điểm (+0,52%), lên 24.245,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 662,14 điểm (-2,38%), xuống 27.126,38 điểm.

Những lo ngại về cuộc khủng hoảng tiềm tàng tại châu Âu khi Chính phủ Ý đặt kế hoạch thâm hụt ngân sách cao hơn dự kiến, gây ra những mâu thuẫn với EU, cùng những bế tắc của đàm phán Brexit giữa Anh và EU đã tiếp nhiên liệu cho giá vàng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/10, giá vàng giao ngay tăng 14,2 USD (+1,2%), lên 1.202,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 15,3 USD/ounce (+1,28%), lên 1.207,0 USD/ounce.

Trong khi đó, sau chuỗi tăng mạnh, giá dầu thô đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba sau khi chạm mức cao nhất 4 năm.

Kết thúc phiên 2/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,24 USD (-0,32%), xuống 75,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,40%), xuống 84,64 USD/thùng.

Tin bài liên quan