Theo dữ liệu được IHS Markit công bố hôm thứ Sáu (21/8), cuộc khảo sát sơ bộ của các nhà quản lý mua hàng cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 8 đã quay trở lại mức cao nhất kể từ đầu năm 2019. Các chỉ số dịch vụ và sản xuất cũng tăng, mặc dù các trường hợp Covid-19 mới vẫn ở mức cao trên toàn nước Mỹ.
Dữ liệu bán nhà của Mỹ trong tháng 7 cho thấy các giao dịch tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng thứ hai liên tiếp, cung cấp một tia sáng tăng trưởng khác trong nền kinh tế Mỹ.
Sau các dữ liệu kinh tế tích cực này, phố Wall đã phản ứng tích cực khi cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm, trong đó S&P và Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Dow Jones tăng 190,60 điểm (+0,69%), lên 27.930,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,65 điểm (+0,34%), lên 3.397,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 46,85 điểm (+0,42%), lên 11.311,80 điểm.
Dow Jones tuần qua gần như không thay đổi sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó, trong khi S&P và Nasdaq có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, thiết lập đỉnh lịch sử. Cụ thể, Dow Jones giảm 0%, S&P tăng 0,72% và Nasdaq tăng 2,65%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đồng loạt tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần sau khi một cuộc khảo sát cho thấy kinh tế khu vực phục hồi chậm lại khi số ca nhiễm Covid mới gia tăng nhanh trở lại ở trên hầu hết các nước trong khu vực.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,45 điểm (-0,19%), xuống 6.001,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 65,20 điểm (-0,51%), xuống 12.764,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 14,91 điểm (-0,30%), xuống 4.896,33 điểm.
Với các phiên giảm liên tiếp trong tuần qua, chứng khoán châu Âu đã chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng trước đó. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 1,45%, chỉ số DAX giảm 1,06% và CAC40 giảm 1,34%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính trong khu vực đều đồng loạt tăng trong phiên cuối tuần qua nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp mới công bố. Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản hạ nhiệt về cuối phiên do áp lực chốt lời sớm của giới đầu tư.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 39,68 điểm (+0,17%), lên 22.920,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,78 điểm (+0,50%), lên 3.380,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 322,45 điểm (+1,30%), lên 25.113,84 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 30,37 điểm (+1,34%), lên 2.304,59 điểm.
Sau tuần tăng điểm đồng loạt trước đó, chứng khoán châu Á đa số điều chỉnh trở lại trong tuần qua, chỉ có chứng khoán Trung Quốc duy tri đà tăng tuần thứ 4 liên tiếp. Chứng khoán Hàn Quốc dù tăng mạnh cuối tuần, nhưng với phiên bán tháo hôm thứ Năm, chỉ số Kospi chứng kiến tuần giảm mạnh hơn 4%. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,58%, chỉ số Hang Seng giảm 0,27%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,61% và Kospi giảm 4,27%.
Giá vàng nhanh chóng điều chỉnh trả lại sau phiên tăng hôm thứ Năm. Dù mức giảm không lớn, nhưng điều này cho thấy nhà đầu tư đã không còn mấy tin vào đà tăng mạnh của giá vàng như mấy tuần trước.
Kết thúc phiên 21/8, giá vàng giao ngay giảm 4,2 USD (-0,22%), xuống 1.942,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 không thay đổi, đứng ở mức 1938,3 USD/ounce.
Giá vàng có tuần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 9 tuần tăng trước đó, dù mức điều chỉnh nhẹ hơn rất nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay giảm 0,12%, giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 0,21%.
Khảo sát các nhà phân tích và giới đầu tư đều cho thấy có sự thận trọng đáng kể với giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát của Wall Street tuần này, có 7 người, chiếm 47% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn nhiều con số 61,5% của tuần trước đó; trong khi số người dự báo giảm cũng là 7 người, chiếm 47%, cao hơn nhiều con số 15,4% của tuần trước đó; chỉ duy nhất 1 người còn lại, chiếm 7% dự báo giá đi ngang.
Tương tự, trong 2.830 lượt nhà đầu tư tham gia khảo sát trực tuyến, có 1.596 người, chiếm 56% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, thấp hơn con số 60% của tuần trước đó; 702 người, chiếm 25% dự báo giá giảm, cao hơn con số 22% của tuần trước đó; 532 lượt dự báo giá đi ngang, chiếm 19%.
Dù nhận tin tích cực từ kinh tế Mỹ, nhưng giá dầu thô lại chịu tác động tiêu cực từ thông tin châu Âu nên đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 21/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,48 USD (-1,13%), xuống 42,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,55 USD (-1,24%), xuống 44,35 USD/thùng.
Dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô Mỹ vẫn có tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8, trong khi giá dầu thô Brent lại đảo chiều giảm, trả lại hết những gì đã có trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,79%, giá dầu thô Brent giảm 1,00%.