Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hồi hộp chờ mùa công bố kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Thận trọng chờ đợi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019 khiến phố Wall giằng co và đóng cửa gần như không đổi trong phiên thứ Năm (11/4).

Phố Wall giằng co trong phiên thứ Năm khi nỗi lo suy giảm kinh tế toàn cầu và chiến tranh thương mại được bù đắt bới dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực và kỳ vọng vào báo cáo kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng.

Theod ữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, các đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969, trong khi vào tháng 3, giá sản xuất đã đạt mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2018. Dữ liệu này làm giảm bớt lo lắng về sự suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới nước Mỹ.

Ngoài ra, dù theo các nhà phân tích dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 quý I/2019 sẽ giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, quý giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Tuy nhiên, nhà đầu tư đánh giá đó có thể là ước tính bi quan và đang chờ đợi mùa công bố kết quả tích cực hơn.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I sẽ bắt đầu vào ngày thứ sáu (12/4) với 2 ngân hàng lớn là JPMorgan Chase & Co và Wells Fargo & Co, tiếp đó là Citigroup Inc và Goldman Sachs Inc vào thứ Hai (15/4) và Bank of America Corp và Morgan Stanley vào thứ Ba (16/4).

Dự báo các ngân hàng này sẽ có kết quả tích cực đã giúp nhóm ngân hàng tăng 0,6% trong phiên thứ Năm, qua đó kéo Dow Jones trở lại sát ngưỡng tham chiếu, S&P 500 chớm sắc xanh, trong khi Nasdaq điều chỉnh khá mạnh.

Kết thúc phiên 11/4, chỉ số Dow Jones giảm 14,11 điểm (-0,05%), xuống 26.143,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11 điểm (+0,00%), lên 2.888,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,88 điểm (-0,21%), xuống 7.947,36 điểm.

Trong khi đó, bỏ qua nỗi lo chiến tranh thương mại giữa 2 bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều đi lên trong phiên thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và du lịch khi một quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ khu vực đồng tiền chung euro. Cụ thể, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau nói rằng, khu vực đồng euro không nằm trong tình hình của Nhật Bản và ECB không thiếu tiền để thúc đẩy tăng trưởng.

Kết thúc phiên 11/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,96 điểm (-0,05%), xuống 7.417,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 29,29 điểm (+0,25%), lên 11.935,52 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 35,84 điểm (+0,66%), lên 5.485,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhờ đồng yên giảm so với đồng USD hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu xuất khẩu, thì chứng khoán Trung Quốc lại có phiên giảm mạnh nhất 3 tuần khi nhà đầu tư phản ứng với lời đe dọa đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Chứng khoán Hồng Kông cũng theo chân chứng khoán đại lục quay đầu giảm điểm khá mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 11/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 23,81 điểm (+0,11%), lên 21.711,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 51,97 điểm (-1,60%), xuống 3.189,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 280,11 điểm (-0,93%), xuống 29.839,45 điểm.

Trên thị trường vàng, dù chứng khoán giằng co, nhưng việc đồng USD tăng mạnh, cùng lực bán kỹ thuật đã khiến giá vàng lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, dù kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng nhà đầu tư đánh giá rủi ro ở mức thấp, khiến vàng không có động lực để đi lên.

Kết thúc phiên 11/4, giá vàng giao ngay giảm 15,6 USD (-1,19%), xuống 1.291,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 20,6 USD (-1,57%), xuống 1.293,3 USD/ounce.

Giá dầu thô cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời sau khi giá loại nhiên liệu này lên mức cao nhất 5 tháng. Ngoài ra, một nguồn tin cho biết OPEC có thể tăng sản lượng từ tháng 7 nếu nguồn cung của Venezuela và Iran giảm hơn nữa, đẩy giá tiếp tục tăng, cũng như kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7 triệu thùng lên mức cao nhất 17 tháng trong tuần trước cũng gây áp lực lớn tới giá dầu thô.

Kết thúc phiên 11/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,03 USD (-1,59%), xuống 63,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,90 USD (-1,25%), xuống 70,83 USD/thùng.

Tin bài liên quan