Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hồi hộp chờ gói kích thích 2.000 tỷ USD

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư (25/3), nhưng mức tăng khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên trước đó khi giới đầu tư thận trọng chờ gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD của Mỹ chính thức được thông qua.

Phố Wall tiếp tục tăng điểm khi mở cửa phiên thứ Tư sau phiên bùng nổ hôm thứ Ba với việc Dow Jones ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1933. Sau đó các chỉ số nhanh chóng quay đầu giảm, nhưng cũng rất nhanh sau đó, đà tăng mạnh đã được thiết lập trở lại, kéo Dow Jones lên mốc 22.000 điểm.

Tuy nhiên, về cuối phiên, đà tăng của các chỉ số chính của phố Wall bị hãm đi một nửa, thậm chí Nasdaq còn bị đẩy xuống dưới tham chiếu khi giới đầu tư hồi hộp chờ đợi cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD.

Theo lịch, Thượng viện Mỹ sẽ triệu tập cuộc họp vào 12h theo giờ địa phương (16h GMT), nhưng lịch bỏ phiếu chưa được xác nhận. Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho biết, ông muốn các thành viên Hạ viện có ít nhất 24 giờ để xem xét dự luật sau khi Thương viện bỏ phiếu thông qua.

Dữ liệu đến hạn vào thứ Năm có khả năng cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng lên 1 triệu khi các công ty tuyên bố sa thải và khi khóa máy trên toàn tiểu bang buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa hàng.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Dow Jones tăng 495,64 điểm (+2,39%), lên 21.200,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,23 điểm (+1,15%), lên 2.475,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,56 điểm (-0,45%), xuống 7.384,30 điểm.

Tiếp nôi phiên bùng nổ ngày thứ Ba, chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng vọt khi mở cửa phiên thứ Tư, nhưng sau đó kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm của các doanh nghiệp giảm mạnh, theo dữ liệu của Refinitiv khiến các chỉ số quay đầu giảm và giằng co gần tham chiếu. Tuy nhiên, kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế sau đó đã giúp các chỉ số bật trở lại vào cuối phiên và duy trì đà tăng tốt trong ngày thứ Tư.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 242,19 điểm (+4,45%), lên 5.688,20 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 173,69 điểm (+1,79%), lên 9.874,26 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 189,60 điểm (+4,47%), lên 4.432,30 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên giao dịch bùng nổ khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với gói kích thích 2.000 tỷ USD của Mỹ. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1.454,28 điểm (+8,04%), lên 19.546,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 59,15 điểm (+2,17%), lên 2.781,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 863,70 điểm (+3,81%), lên 23.527,19 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 94,79 điểm (+5,89%), lên 1.704,76 điểm.

Sau 2 ngày tăng vọt, giá vàng quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Tư do áp lực chốt lời ngắn hạn. Cùng với đó, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, báo hiệu về khả năng thị trường này đã tạo đáy để đi lên, khiến vàng giảm tính hấp dẫn.

Kết thúc phiên 25/3, giá vàng giao ngay giảm 23,1 USD (-1,41%), xuống 1.612,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 27,4 USD (-1,65%), xuống 1.633,4 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần nhờ phản ứng tích cực với gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng không mạnh khi nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý II khi hàng loạt quốc gia tuyên bố cấm biên.

Kết thúc phiên 25/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,48 USD (+2,0%), lên 24,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,24 USD (+0,88%), lên 27,39 USD/thùng.

Tin bài liên quan