Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hoảng sợ trước làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới

(ĐTCK) Số ca lây nhiễm virus Corona mới tăng mạnh trở lại ở Mỹ và nhiều nơi khác khiến giới đầu tư hoảng sợ bán tháo trong phiên thứ Tư (24/6).

Theo báo cáo mới nhất, trong vòng 24 giờ qua, Mỹ báo cáo có thêm 34.988 nhiễm mới và 727 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 lên 2.459.156 và 124.200 ca.

Vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV, một số bang của Mỹ ghi nhận số ca mới trong một ngày cao chưa từng thấy như Arizona, California, Mississippi, Nevada và Texas.

Bang Washington và California yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Giải marathon Thành phố New York, sự kiện thường thu hút 50.000 người tham gia và khoảng một triệu khán giả, đã bị hủy vì cho rằng nó quá nguy hiểm.

Số ca nhiễm mới gia tăng mạnh làm tăng thêm khả năng về làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 lần 2, qua đó dập tắt hy vọng hồi phục sớm nền kinh tế khiến giới đầu tư hoảng sợ bán tháo ra trong phiên thứ Tư, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall có phiên giảm mạnh nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Dow Jones giảm 710,16 điểm (-2,72%), xuống 25.445,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 80,96 điểm (-2,59%), xuống 3.050,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 222,20 điểm (-2,19%), xuống 9.909,17 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng lao dốc trong phiên thứ Tư xuống mức thấp nhất 1 tuần khi giới đầu tư lo ngại về sự bùng phát dịch mới, cùng với việc khả năng Mỹ sẽ đánh thuế lên một số sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu.

Kết thúc phiên 24/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 196,43 điểm (-3,11%), xuống 6.123,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 429,82 điểm (-3,43%), xuống 12.093,94 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 146,32 điểm (-2,92%), xuống 4.871,36 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á lại có sự trái chiều trong phiên thứ Tư, nhưng biến động không lớn. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng nhẹ vào cuối phiên với kỳ vọng về cải cách về thị trường vốn của Bắc Kinh, chứng khoán Hàn Quốc tích cực với kỳ vọng hồi phục kinh tế. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm nhẹ khi giới đầu tư thận trọng trước các ca lây nhiễm Covid-19 mới gia tăng trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 24/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 14,73 điểm (-0,06%), xuống 22.534,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,93 điểm (+0,30%), lên 2.979,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 125,76 điểm (-0,50%), xuống 24.781,58 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 30,27 điểm (+1,42%), lên 2.161,51 điểm.      

Trong khi đó, khi rủi ro ngày càng lớn thì vai trò trú ẩn của vàng càng được nâng cao, qua đó giúp giá kim loại quý tiếp tục tăng và leo lên mức cao nhất 7 năm rưỡi vào giữa phiên Mỹ. Tuy nhiên, áp lực chốt lời xuất hiện đã đẩy giá kim loại quý này quay đầu và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư trong sắc đỏ, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 24/6, giá vàng giao ngay giảm 6,2 USD (-0,35%), xuống 1.761,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 6,9 USD (-0,39%), xuống 1.775,1 USD/ounce.

Giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư trước nỗi lo bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 2 ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu với dầu thô. Bên cạnh đó, kho dự trữ của Mỹ tuần trước tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo càng làm gia tăng thêm nỗi lo với giới đầu tư trên thị trường dầu mỏ.

Kết thúc phiên 24/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,36 USD (-6,21%), xuống 38,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,32 USD (-5,76%), xuống 40,31 USD/thùng.

Tin bài liên quan