Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hoảng sợ, nháo nhào tháo chạy

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên thứ Năm (11/6) khi giới đầu tư lo sợ về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2, cùng với dự báo ảm đảm trước đó của Fed.

Làn sóng biểu tình bùng nổ ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khiến lo ngại làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 thứ 2 sẽ diễn ra, nhất là khi tại Mỹ, số ca nhiễm mới tăng cao ở Texas và nhiều quận của California khiến giới đầu tư bất an.

Trong khi đó, dự báo đưa ra hôm thứ Tư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc GDP của Mỹ sẽ giảm 6,5% trong năm nay, trong khi thất nghiệp lên mức 9,3%, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo đưa ra trước đó của cơ quan này là 4,1%, cùng với triển vọng phục hồi chậm khiến giới đầu tư ngẫm nghỉ lại và càng thấy lo sợ hơn.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch thứ Năm, lệnh bán đã được tung ra ồ ạt và lệnh bán tháo càng về sau càng mạnh, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall lao dốc và có phiên giảm mạnh nhất kể từ 16/3, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khắp toàn cầu. Trong khi đó, chỉ số VIX (CBOE) đo lường sự sợ hãi của nhà đầu tư tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 16/3

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Dow Jones giảm 1.861,82 điểm (-6,90%), xuống 25.128,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 188,04 điểm (-5,89%), xuống 3.002,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 527,62 điểm (-5,27%), xuống 9.492,73 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên lao dốc mạnh nhất trong hơn 11 tuần trước nỗi lo bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 và dự báo ảm đạm về kinh tế mà Fed đưa ra trước đó.

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 252,43 điểm (-3,99%), xuống 6.076,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 559,87 điểm (-4,47%), xuống 11.970,29 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 237,81 điểm (-4,71%), xuống 4.815,60 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ nhận định bi quan của Fed về triển vọng kinh tế, cũng như cơ quan hoạch định chinh sách này sẽ không đưa lãi suất về dưới 0. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm mạnh hơn 2% đến gần 3%, còn chứng khoán Hàn Quốc chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 652,04 điểm (-2,82%), xuống 22.472,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,86 điểm (-0,78%), xuống 2.920,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 569,58 điểm (-2,27%), xuống 24.480,15 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,91 điểm (-0,86%), xuống 2.176,78 điểm.        

Thông thường, khi thị trường chứng khoán bị bán tháo, dòng tiền sẽ chảy tới các kênh trú ẩn, trong đó đặc biệt là vàng, giúp giá kim loại quý này tăng, nhưng diễn biến trong phiên thứ Năm với giá vàng giao ngay lại ngược lại. Dòng tiền có chảy vào các kênh trú ẩn, nhưng hướng nhiều vào đồng USD, khiến đồng bạc xanh này tăng mạnh, qua đó đẩy giá vàng giao ngay quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư khó hiểu là giá vàng tương lại lại bật mạnh trở lại, lên mức cao nhất 3 tháng.

Kết thúc phiên 11/6, giá vàng giao ngay giảm 12,2 USD (-0,70%), xuống 1.727,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 19,1 USD (+1,11%), lên 1.739,8 USD/ounce.

Lo sợ về làn sóng bùng phát Covid-19, cũng như dự báo ảm đạm về kinh tế của Fed cũng khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm, ghi nhận ngày giảm tồi tệ nhất kể từ ngày 21 và 27/4 với giá dầu Brent và dầu thô WTI.

Kết thúc phiên 11/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 3,26 USD (-8,2%), xuống 36,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,18 USD (-7,6%), xuống 38,55 USD/thùng.

Tin bài liên quan