Chứng khoán Mỹ phiên giữa tuần đã phải vật lộn để tìm hướng đi trong phần lớn thời gian giao dịch khi tình hình ở Washington rối loạn.
Đầu ngày thứ Tư, truyền thông Mỹ đưa tin, Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell được cho là đã kêu gọi các nhà lập pháp Cộng hòa và Nhà Trắng phản đối thỏa thuận về một gói viện trợ quy mô lớn trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết, mặc dù có một số khác biệt giữa Nhà Trắng và các nhà lập pháp Dân chủ tại Quốc hội, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn “sẵn sàng tham gia” vào việc xây dựng một thỏa thuận.
Bên cạnh đó, trước khi bắt đầu cuộc hội đàm vào buổi chiều ngày thứ Tư với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố, vẫn còn cơ hội cho một thỏa thuận bất chấp sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện, mặc dù bà thừa nhận, nhiều khả năng thoả thuận sẽ không được thông qua trước cuộc bầu cử.
Và sau khi kết thúc phiên thảo luận, Drew Hammill, phát ngôn viên của bà Pelosi, tiết lộ với phóng viên, phiên họp ngày thứ Ba đã "đưa hai bên đến gần hơn với việc có thể đặt bút để xây dựng dự luật".
Mặt khác cùng ngày, một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã có những bài phát biểu quan trọng. Thống đốc Fed Lael Brainard, trong phát biểu trước Hiệp hội các nhà kinh tế chuyên nghiệp ở Anh cho biết, Mỹ sẽ "phục hồi chậm hơn và yếu hơn" nếu Quốc hội không thông qua một gói viện trợ bổ sung trong thời gian tới.
Sau đó, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester tuyên bố, Fed cần phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo người dân hiểu những gì họ đang cố gắng đạt được với chính sách tiền tệ của mình.
Báo cáo mới nhất của Fed cũng chỉ ra rằng, hoạt động kinh tế ở hầu hết các vùng tại Mỹ đang tăng trưởng ở mức rất khiêm tốn và tẻ nhạt trong tháng 10 này.
Mùa báo cáo thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ vẫn đang diễn ra sôi nổi. Kết quả được công bố hôm qua từ Netflix khiến các nhà đầu tư thất vọng khi nền tảng ngày ghi nhân sự sụt giảm mạnh về số lượng người đăng ký sử dụng dịch vụ mới trong quý vừa rồi. Cổ phiếu của Netflix đóng cửa giảm 6,9%.
Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones giảm 97,97 điểm (-0,35%), xuống 28.210,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,56 điểm (-0,22%) xuống 3.435,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 31,80 điểm (-0,28%), xuống 11.484,69 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm điểm phiên thứ ba liên tiếp trong ngày thứ tư. Đà báo tháo vẫn diễn ra trên diện rộng trước những lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai tại lục địa chưa được kiểm soát, dẫn dầu bởi nhóm cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe và xây dựng.
Tâm lý thị trường không thể rũ bỏ gánh nặng dù nhận những thông tin lạc quan đến từ báo cáo thu nhập tích tực của khổng lồ tiêu dùng Nestle và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson.
Kết thúc phiên 21/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 112,72 điểm (-1,91%), xuống 5.776,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 179,31 điểm (-1,41%), xuống 12.557,64 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 75,33 điểm (-1,53%) xuống 4.853,95 điểm.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch giữa tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng khi thị trường kỳ vọng, các nhà lập pháp Mỹ có thể đạt được thỏa thuận về gói kích thích trước cuộc bầu cử tổng thống.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ khi nhóm cổ phiếu công nghệ và xe năng lượng mới bị bán tháo mạnh.
Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 72,42 điểm (+0,31%), lên 23.639,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,08 điểm (-0,09%), xuống 3.325,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 184,88 điểm (+0,75%), lên 24.754,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 12,45 điểm (+0,53%), lên 2.370,86 điểm.
Giá vàng tăng mạnh, được hỗ trợ từ việc chỉ số đồng USD suy yếu, chạm mức thấp nhất trong sáu tuần vào ngày thứ Tư. Dòng tiền cũng tìm đến thị trường kim loại quý trong bối cảnh thị trường chứng khoán đầy biến động.
Kết thúc phiên 21/10, giá vàng giao ngay tăng 18,50 USD (+0,97%), lên 1.924,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 14,1 USD (+0,74%), lên 1.929,50 USD/ounce.
Giá dầu giảm mạnh vào phiên ngày thứ Tư sau khi số liệu tồn kho của Mỹ cho thấy, nhu cầu suy yếu đối với các sản phẩm tinh chế do số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng đột biến.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết, còn quá sớm để thảo luận về tương lai của việc cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu toàn cầu sau tháng 12.
Kết thúc phiên 21/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,67 USD (-4,00%), xuống 40,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,34 USD (-3,3%), xuống 41,73 USD/thùng.