Giới đầu tư háo hức với kết quả kinh doanh của các ông lớn

Giới đầu tư háo hức với kết quả kinh doanh của các ông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ Ba (2/2), Phố Wall có thứ hai liên tiếp tăng mạnh khi nhận được nhiều trợ lực.

Chứng khoán Mỹ phiên đêm qua háo hức với báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan của hai "gã khổng lồ" Amazon và Alphabet công ty mẹ của Google.

Amazon cho biết, quý IV/2020, lợi nhuận của công ty tăng hơn gấp đôi lên 7,2 tỷ USD, doanh thu cũng tăng 44% lên 125,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, Amazon "gây sốc" cho thị trường khi thông báo, tỷ phú Jeff Bezos sẽ từ chức và sẽ chuyển giao vai trò CEO Amazon vào quý III năm nay cho Andy Jassy, giám đốc điều hành của Amazon Web Services.

Trong khi đó, Alphabet thống báo, quý IV vừa qua, công ty đạt 56,9 tỷ USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ và cao hơn con số ước tính 53,13 tỷ USD của giới phân tích.

Theo dữ liệu cuar Refinitiv, hơn 80% báo cáo doanh thu từ các công ty thuộc S&P 500 đã vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, với 97% trong số đó là từ các công ty công nghệ.

Mặt khác, các nhà đầu tư cũng lạc quan trước thông tin Đảng Dân chủ tại Quốc hội chuẩn bị thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc thông qua nhanh gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.

Ngoài ra, các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ ghi nhận giảm tuần thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái.

Trong kho đó, cơn sốt GameStop và các cổ phiếu bị bán khống mạnh khác đã hạ nhiệt trong tuần này. Cổ phiếu GannmeStop "bốc hơi" 60% trong phiên đêm qua, sau khi lao dốc 70% trong phiên đầu tuần. Tuần trước, cổ phiếu này ghi nhận tăng tới 400%. Tương tự, cổ phiếu AMC Entertainment cũng sụt 41% trong phiên ngày thứ Ba.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Dow Jones tăng 475,57 điểm (+1,57%), lên 30.678,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 52,45 điểm (+1,39%), lên 3.826,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 209,38 điểm (+1,56%), lên 13.612,78 điểm.

Chứng khoán châu Âu kéo dài đà tăng sang phiên thứ hai liên tiếp vào hôm thứ Ba. Thị trường đang kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn sau khi nhận được một số dữ liệu lạc quan và báo cáo doanh thu tích cực từ các tên tuổi như Airbus và LMNH.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 2/2, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm 6,8% năm 2020, ít hơn so với dự báo giảm 7,8% của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi tháng 11/2020.

Mặc dù đây vẫn là một trong những con số tồi tệ nhất trong lịch sử nhưng tốt hơn dự kiến, phần lớn nhờ vào sự khả quan của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức. Kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2020 và kinh tế Pháp giảm 8,3%, thay vì giảm đến hai chữ số như lo ngại ban đầu.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,23 điểm (+0,78%), lên 6.516,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 213,14 điểm (+1,56%), lên 13.835,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 101,43 điểm (+1,86%), lên 5.563,11 điểm.

Sắc xanh tiếp tục được duy trì tại thị trường chứng khoán châu Á sang phiên ngày thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục phục hồi sau đợt bán tháo mạnh của tuần trước và tâm lý lạc quan ngày càng dâng cao trước những báo cáo kết quả kinh doanh tích cức.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định tiếp tục bơm tiền, giảm bớt lo lắng về tình trạng thanh khoản thắt chặt gần đây trên thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được củng cố bởi nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghiệp khi các nhà đầu tư Đại lục tiếp tục đổ tiền vào trung tâm tài chính châu Á.

Chứng khoán Hàn Quốc cung tăng tích cực nhờ nhóm cổ phiếu lớn, đồng thời nhà đầu tư mua ròng trở lại.

Kết thúc phiên 2/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 271,12 điểm (+0,97%), lên 28.362,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,40 điểm (+0,81%), lên 3.533,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 355,84 điểm (+1,23%), lên 29.248,70 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 40,28 điểm (+1,32%), lên 3.096,81 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua đảo chiều giảm sâu trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng giá khi Tổng thống Joe Biden hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu vì Covid-19.

Kết thúc phiên 2/2, giá vàng giao ngay giảm 24,00 USD (-1,30%), xuống 1.837,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 29,80 USD (-1,60%), xuống 1.832,40 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm thứ Ba, đạt mức cao nhất 12 tháng sau khi các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới cho biết, họ đang kìm sản lượng ở mức gần phù hợp với cam kết.

Theo đó, sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 1 tăng tháng thứ 7 liên tiếp, nhưng tăng ít hơn dự kiến. Ả Rập Xê-út tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày và thực hiện từ đầu tháng 2 tới hết tháng 3.

Sản lượng của Nga tăng trong tháng 1 nhưng phù hợp với cam kết của OPEC+, trong khi sản lượng dầu của Kazakhstan giảm trong tháng trước.

Kết thúc phiên 2/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,21 USD, (+2,3%), lên 54,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,1 USD, (+2%), lên 57,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan