Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào Fed

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố càng củng cố thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong tháng 7 này, giúp phố Wall lập đỉnh lịch sử mới.

Dữ liệu vào thứ Tư cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng, trong khi dữ liệu của ngành dịch vụ cho thấy sự chậm lại trong hoạt động. Các báo cáo đưa ra sau khi dữ liệu về nhà ở, sản xuất, đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng không khả quan được công bố trước đó là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý II chậm lại.

Dữ liệu bổ sung trên thị trường lao động cho thấy, Báo cáo việc làm trong lĩnh vực tư nhân (ADP), được một số người coi là tiền thân của dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp toàn diện hàng tháng của Bộ Lao động vào thứ Sáu cho thấy, các nhà tuyển dụng tư nhân Mỹ đã thêm 102.000 việc làm vào tháng 6, thấp hơn 40.000 việc làm so với kỳ vọng của các nhà kinh tế.

Dữ liệu kinh tế mới công bố càng củng cố thêm khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng 7 này, qua đó giúp giới đầu tư hứng khởi xuống tiền kéo cả 3 chỉ số chính của phố Wall lên mức cao kỷ lục mới trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Dow Jones tăng 248,57 điểm (+0,93%), lên 26.966,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,81 điểm (+0,77%), lên 2.995,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 61,14 điểm (+0,75%), lên 8.170,23 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde - cựu Tổng giám đốc IMF sẽ duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa.

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,13 điểm (+0,66%), lên 7.609,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 89,52 điểm (+0,71%), lên 12.616,24 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 42,00 điểm (+0,75%), lên 5.618,81 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời cùng nghi ngờ về khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài khiến chứng khoán khu vực giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Tư.

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 116,11 điểm (-0,53%), xuống 21.638,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,68 điểm (-0,94%), xuống 3.015,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông  giảm 20,42 điểm (-0,07%), xuống 28.855,14 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng và lên lại mức cao nhất 6 năm trong phiên thứ Tư nhờ nhu cầu trú ẩn và khả năng Fed giảm lãi suất.           

Kết thúc phiên 3/7, giá vàng giao ngay tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.418,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 12,9 USD (+0,92%), lên 1.420,9 USD/ounce.

Giá dầu cũng tăng trở lại sau khi dữ liệu cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước.

Kết thúc phiên 3/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,53 USD (+0,90%), lên 56,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 0,88 USD (+1,41%), lên 63,28 USD/thùng.

Tin bài liên quan