Sau khi giảm điểm phiên cuối tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu chíp, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới (17/6) nhờ sự hỗ trợ của Facebook, Amazon và Apple và kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 7 năm nay. Fed sẽ có cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày thứ Ba (18/6) này với dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất.
Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang New York cho biết, chỉ số tăng trưởng kinh doanh của Empire State tại bang New York giảm kỷ lục trong tháng này xuống mức yếu nhất trong hơn 2 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones tăng 22,92 điểm (+0,09%), lên 26.112,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,69 điểm (+0,09%), lên 2.889,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 43,37 điểm (+0,62%), lên 7.845,02 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng lình xình trong phiên thứ Hai và đóng cửa trái chiều khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed. Trong đó, chứng khoán Đức tiếp tục giảm nhẹ do cảnh báo lợi nhuận từ hãng hàng không Lufthansa.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,53 điểm (+0,16%), lên 7.357,31 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,58 điểm (-0,09), xuống 12.085,82 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 23,34 điểm (+0,43%), lên 5.390,95 điểm.
Chứng khoán châu Á tăng nhẹ trở phiên đầu tuần mới, nhưng thanh khoản ở mức thấp khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed và cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào cuộc tháng này nhân cuộc họp G20 tại Nhật Bản.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 7,11 điểm (+0,03%), lên 21.124,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,65 điểm (+0,20%), lên 2.888,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 108,81 điểm (+0,40%), lên 27.227,16 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi giảm khá mạnh trong cuối phiên Á, giá kim loại quý này đã bật trở lại vào cuối phiên Âu, đầu phiên Mỹ sau đó đi ngang và đóng cửa giảm nhẹ khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 17/6, giá vàng giao ngay giảm 2,2 USD (-0,16%), xuống 1.338,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,6 USD (-0,12%), xuống 1.342,9 USD/ounce.
Trên thị trường dầu mỏ, nỗi lo suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu dầu thô lớn hơn là tình hình căng thẳng ở Trung Đông sau khi 2 tàu chở dầu bị tấn công khiến giá dầu thô quay đầu giảm trở lạ trong phiên đầu tuần mới. Nỗi lo kinh tế suy yếu sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng 5 chỉ đạt 5%, thấp hơn mức kỳ vọng 5,5% và thấp hơn mức tăng 5,4% trong tháng 4. Đây cũng là mức tăng trưởng chậm nhất trong 17 năm qua.
Kết thúc phiên 17/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,58 USD (-1,10%), xuống 51,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,07 USD (-1,73%), xuống 60,94 USD/thùng.