Giới đầu tư đánh mất niềm tin, chứng khoán tiếp tục tụt dốc

Giới đầu tư đánh mất niềm tin, chứng khoán tiếp tục tụt dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên cuối tuần (18/9), đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp của cả 3 chỉ số chính.

Cuối tuần trước, giới đầu tư tiếp tục tìm kiếm tiến triển trong các cuộc thảo luận về chính sách tài khóa ở Washington, được coi là rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch và duy trì đà tăng của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang tranh cãi và chưa thể đưa ra câu trả lời chắc chắn.

Mặt khác, theo giới quan sát, các nhà đầu tư có vẻ “tức giận” khi những cập nhật chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra hôm 16/9 vẫn đang tác động không mấy tích cực đến thị trường. Sau cuộc họp chính sách giữa tuần, Fed đã chỉ ra rằng, nền kinh tế Mỹ có thể phải mất thời gian dài để hồi phục và Fed sẽ giữ nguyên lãi suất thấp như hiện tại đến năm 2023.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ 18/9 tuyên bố cấm các hoạt động giao dịch liên quan đến hai ứng dụng Wechat của Tencent và TikTok của Bytedance đến từ Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 20/9.

Tuy nhiên, một ngày sau đó, cơ quan này thông báo hoãn lệnh cấm TikTok thêm một tuần, cho đến ngày 27/9 nhờ "các tiến triển tích cực gần đây" và chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về dữ liệu kinh tế, theo nghiên cứu của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng 9 đạt mức 78,9, tăng so với mức 74,1 của tháng trước và tốt hơn nhiều so với mức 75,9 điểm mà các nhà phân tích kỳ vọng trước đó.

Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã tăng mạnh lên 170 tỷ USD trong quý II/2020, từ mức đã điều chỉnh 111,5 tỷ USD trong quý I/2020.

Đóng cửa phiên cuối tuần, cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều giảm khi đà bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chưa dừng lại, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Kết thúc phiên 18/9, chỉ số Dow Jones giảm 244,56 điểm (-0,88%), xuống 27.657,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 37,64 điểm (-1,12%), xuống 3.319,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 116,99 điểm (-1,07%), xuống 10.793,28 điểm.

Chốt tuần, S&P 500 giảm 0,64%. Dow Jones mất 0,03% và Nasdaq Composite giảm 0,56%.

Thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa phiên cuối tuần giảm điểm khi dịch bệnh lại quay lại đè nặng tâm lý thị trường, dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu du lịch và dịch vụ.

Số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tăng mạnh trở lại châu Âu khiến một loạt các quốc gia phải đưa ra các biện pháp hạn chế. Vương quốc Anh đang phải đối mặt với nguy cơ “đóng cửa” hai tuần vào đầu tháng tới do số ca nhiễm hàng ngày tăng vọt trong tháng 9 và số ca nhập viện cứ tăng gấp đôi sau 7-8 ngày.

Theo giới phân tích, dịch bệnh bùng phát trở lại là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của Eurozone.

Kết thúc phiên 18/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 42,87 điểm (-0,71%), xuống 6.007,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 91,87 điểm (-0,70%), xuống 13.116,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 61,32 điểm (-1,22%) xuống 4.978,18 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 0,42%, chỉ số DAX giảm 0,66% và CAC40 giảm 1,11%.

Chứng khoán châu Á có phiên cuối tuần tích cực khi hầu hết các thị trường lớn đều tăng điểm.

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ sự lạc quan xung quanh các chính sách của Thủ tướng Yoshihide Suga, tuy nhiên nhóm cổ phiếu viễn thông giảm sâu khiến đà tăng bị chặn lại khá nhiều.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khá mạnh, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu tài chính với kỳ vọng về các biện pháp hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19.

Kết thúc phiên 18/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,93 điểm (+0,18%), lên 23.360,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 67,65 điểm (+2,07%), lên 3.338,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 114,56 điểm (+0,47%), lên 24.455,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,23 điểm (+0,26%), lên 2.412,40 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,20%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,38%, chỉ số Hang Seng giảm 0,20% và chỉ số Kospi tăng 0,66%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu tăng khá mạnh đầu phiên nhờ lực mua bắt đáy, song đồng USD mạnh lên đã khiến đà tăng của vàng bị chặn lại khá nhiều sau đó và đóng cửa chỉ còn nhích nhẹ so với phiên trước.

Kết thúc phiên 18/9, giá vàng giao ngay tăng 4,20 USD (+0,22%), lên 1.948,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 11,9 USD (+0,61%), lên 1.953,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,45%, còn giá vàng tương lai tăng 0,46%.

Tuần này, tâm lý lạc quan vẫn được duy trì, nhưng ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về triển vọng ngắn hạn của vàng. Giai đoạn hiện nay không có tin tức cơ bản mới nào có thể thúc đẩy giá của kim loại quý này.

Trong số 14 chuyên gia phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 7 người dự báo vàng sẽ tăng giá, tương đương 50%; 6 người, tương đương 43%, cho rằng giá vàng giảm và 1 chuyên gia, chiếm 7%, dự đoán giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến trên Main Street, trong 1.367 nhà đầu tư tham gia, 829 người, chiếm 60%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 248 người khác, chiếm 18%, cho rằng giá vàng giảm và 290 người còn lại, chiếm 21%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu thế giới ngày thứ Sáu giảm sau ba phiên tăng liên tiếp, khi các nhà sản xuất trở lại với công việc tại Vịnh Mexico sau cơn bão Sally. Đồng thời, số liệu cho thấy xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê-út tăng từ mức thấp kỷ lục.

Kết thúc phiên 18/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,14 USD (-0,34%), xuống 40,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,11 USD (-0,25%), xuống 43,04 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 9,57%, giá dầu Brent tăng 7,82%.

Tin bài liên quan