Giới đầu tư có thể chờ đợi một vài ngày không chắc chắn vì bầu cử

Giới đầu tư có thể chờ đợi một vài ngày không chắc chắn vì bầu cử

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Giới đầu tư có thể chờ đợi một vài ngày không chắc chắn nữa với việc chính quyền Trump đang sẵn sàng vụ kiện tụng chống lại kết quả bầu cử năm 2020.

Tính đến chiều thứ Tư (4/11), một số bang vẫn chưa chốt kết quả bầu cử tổng thống nhưng chiến dịch tranh cử của Trump đã ngay lập tức kêu gọi kiểm phiếu lại ở bang Wisconsin sau khi một số cơ quan truyền thông tuyên bố chiến thắng cho đảng Dân chủ Joe Biden.

Các thị trường dường như phản ứng tích cực thông qua những diễn biến đó, với S&P 500 ghi nhận mức tăng 2,21% lên 3.443,47 và chỉ số Dow Jones tăng 1,34% lên 27,847,93 vào giá đóng cửa ngày thứ Tư (4/11).

Chỉ số VIX, một thước đo đo lường nỗi sợ hãi đã giảm từ 35 vào thứ Ba (3/11) xuống mức 29,64 vào chiều thứ Tư (4/11), ám chỉ rằng lo ngại kết quả bầu cử gây tranh cãi đang dần giảm bớt.

“Thị trường đang phản ứng rất tích cực với thực tế là phần lớn sự không chắc chắn trong cuộc bầu cử đã trôi qua. Mặc dù không phải tất cả, nhưng ít nhất thì kết quả tồi tệ nhất dường như đã tránh được”, Brad McMillan, Giám đốc đầu tư tại Commonwealth Financial Network cho biết vào ngày 4/11.

Mặc dù thị trường có thể không biết được kết quả chính xác của cuộc bầu cử nhưng các nhà đầu tư có thể đã phản ánh trước giả định về một cuộc bầu cử có tranh chấp, và đó không phải là điều bất ngờ.

Trước đó, vào cuối tháng 9, chiến lược gia John Normand của JPMorgan đã viết rằng cuộc chiến về kết quả bầu cử tranh chấp là một trong những kịch bản có thể xảy ra.

Phản ứng của thị trường dường như khác với thời điểm cuộc tái kiểm phiếu năm 2000 trong cuộc bầu cử tổng thống giữa Bush và Gore, khi một cuộc chạy đua chặt chẽ ở Florida khiến quốc gia này không có người chiến thắng rõ ràng trong hơn một tháng.

Trong những ngày sau ngày bầu cử năm 2000, S&P 500 đã giảm sâu tới 8% khi các cuộc chiến pháp lý nổ ra sau một cuộc kiểm phiếu lại. Trong khi chỉ số VIX đạt đỉnh ở mức gần 30.

Biểu đồ chỉ số chứng khoán Mỹ sau ngày bầu cử năm 2000

Biểu đồ chỉ số chứng khoán Mỹ sau ngày bầu cử năm 2000

Cuộc bầu cử năm 2020 sẽ khác

Một khía cạnh độc đáo của cuộc bầu cử năm 2020 là thực tế nó đang diễn ra giữa một đại dịch toàn cầu và cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Một gói kích thích tài khóa lớn nhằm cứu trợ các hộ gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống và các doanh nghiệp không thể phục hồi doanh thu bị mất trong thời gian ngừng hoạt động là kỳ vọng của thị trường và kinh tế vào thời điểm hiện tại.

Giám đốc đầu tư của UBS, Mark Haefele, đã viết ngày 4/11 rằng, thị trường vẫn đang được thúc đẩy bởi các yếu tố khác như sự lạc quan về vắc xin phổ biến vào quý II/2021 và các hành động chính sách tích cực từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.

“Rủi ro suy giảm vẫn tồn tại trong một kết quả bầu cử gây tranh cãi, nhưng các động lực chính cho tài sản rủi ro vẫn còn theo quan điểm của chúng tôi”, Haefele cho biết.

Nhưng ngay cả khi lo ngại về sự biến động thị trường gia tăng, các chiến lược gia vẫn khuyên không nên có sự thay đổi đáng kể trong danh mục và tùy thuộc vào xu hướng đầu tư.

Chiến lược gia Jurrien Timmer của Fidelity đã viết rằng, bất kể đảng phái chính trị nào và ai là người nắm quyền, trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống có xu hướng tạo ra lợi nhuận dưới mức trung bình trong khi nửa sau của một chính quyền có xu hướng tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình.

“Chúng tôi muốn xem xét bất kỳ sự biến động nào của thị trường mà một kết quả chậm trễ có thể mang lại và ưu tiên tận dụng bất kỳ đợt bán tháo tài sản rủi ro nào trong giai đoạn không chắc chắn này để mua vào các cổ phiếu có tiềm năng cao”, theo ghi chú ngày 2/11 từ BlackRock Investment Institute.

Tin bài liên quan