Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư choáng váng

(ĐTCK) Cảnh báo của Broadcom, một trong những nhà sản xuất chíp lớn nhất của Mỹ về việc sụt giảm doanh thu năm nay do căng thẳng thương mại đã làm choáng váng nhà đầu tư và nhóm cổ phiếu sản xuất chíp.

Cổ phiếu của Broadcom Inc đã giảm 5,6% sau khi cắt giảm dự báo doanh thu 2 tỷ USD năm 2019, đổ lỗi cho cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung và lệnh cấm làm ăn với Huawei của Mỹ.

Không chỉ cổ phiếu của Broadcom, nhóm cổ phiếu chíp khác cũng đồng loạt giảm mạnh khi báo cáo trên đã làm nhà đầu tư choáng váng.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu sản xuất chíp khiến phố Wall quay đầu giảm trong phiên cuối tuần, dù có sự trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi cuộc họp trong tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường đặt kỳ vọng lớn vào khả năng Fed giảm lãi suất sau hàng loạt dữ liệu yếu kém được công bố, nhưng nếu Fed không ra quyết định như kỳ vọng trong cuộc họp vào tuần tới, sự thất vọng sẽ lan rộng trên các thị trường.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 17,16 điểm (-0,27%), xuống 26.089,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,66 điểm (-0,16%), xuống 2.886,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 40,47 điểm (-0,52%), xuống 7.796,66 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,41%, chỉ số S&P 500 tăng 0,47% và chỉ số Nasdaq tăng 0,70%. Như vậy, phố Wall đã có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên cuối tuần vì đà giảm của nhóm cổ phiếu chíp do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài ảnh hưởng lớn tới nhóm cổ phiếu sản xuất chịp sau khi Broadcom, một trong những công ty lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực chip cho biết, doanh thu năm 2019 của mình dự báo sụt giảm do căng thẳng thương mại và lệnh cấm làm ăn với Huawei.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 22,79 điểm (-0,31%), xuống 7.345,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 72,65 điểm (-0,60), xuống 12.096,40 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 8,01 điểm (-0,15%), xuống 5.367,62 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,19%, chỉ số DAX tăng 0,42% và chỉ số CAC40 tăng 0,07%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp của các chỉ số này.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng tăng nhờ giá dầu thô hồi phục sau khi 2 tàu trở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục giảm điểm do dữ liệu yếu kém về sản xuất công nghiệp của Trung Quốc được công bố. Cụ thể,  tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ giảm xuống mức thấp hơn 17 năm vào tháng 5.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 84,89 điểm (+0,4%), lên 21.116,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,77 điểm (-0,99%), xuống 2.881,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 176,36 điểm (-0,65%), xuống 27.118,35 điểm.

Dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng có được tuần điểm giống như chứng khoán Nhật Bản. Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,11%, chỉ số Hang Seng tăng 0,57%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp của 2 chỉ số này và chỉ số Shanghai cũng đảo chiều tăng 1,92% sau 7 tuần giảm liên tiếp.

Trên thị trường vàng, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau khi Mỹ và các đồng minh cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman kéo giá vàng tăng cao trong phiên Á - Âu, nhưng khi bước vào phiên Mỹ, giá vàng đã hạ nhiệt và quay đầu giảm trở lại khi chốt phiên do áp lực chốt lời sau khi giá kim loại quý lên mức cao nhất 13 tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư thận trọng trước cuộc hợp tuần tới của Fed cũng khiến giá vàng quay đầu trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 14/6, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (+0,06%), xuống 1.341,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,6 USD (+0,12%), lên 1.345,3 USD/ounce.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,09%, tuần tăng thứ 3 liên tiếp, trong khi giá vàng tương lai quay đầu giảm nhẹ 0,06% sau 2 tuần tăng liên tiếp.

Dù điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần và gần như đi ngang trong tuần qua, không như kỳ vọng của các nhà phân tích và giới đầu tư, nhưng cả nhà phân tích và đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng tuần tới khi đặt cược lớn vào khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp tuần tới.

Cụ thể, trong 20 chuyên gia trả lời, có 16 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 73%, thấp hơn chút ít so với mức 75% của tuần trước và bằng với tuần trước đó. Có 3 người dự báo giá sẽ đi ngang và giảm, chiếm 14%. Trong 2 tuần trước đó, không có nhà phân tích nào dự báo giá vàng giảm.

Tương tự, trong 558 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 389 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 70%, cao hơn so với con số 66% của tuần trước, 122 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 22%, bằng với tuần trước và 47 người dự báo giá đi ngang, chiếm 8%.

Trong khi đó, việc 2 tàu dầu bị tấn công ở Vịnh Oman khiến căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng đã giúp giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó giảm nhu cầu dầu mỏ khiến giá dầu thô không thể tăng mạnh.

Kết thúc phiên 14/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,44%), lên 52,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,70 USD (+1,13%), lên 60,01 USD/thùng.

Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô không tránh khỏi tuần giảm mạnh. Trong tuần, giá dầu thô WTI giảm 2,74%, giá dầu thô Brent giảm 5,18%.

Tin bài liên quan