Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư bất ngờ nhận tin vui

(ĐTCK) Bất ngờ nhận tin vui từ cuộc thương chiến, cũng như thông tin kinh tế tích cực từ Đức giúp chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua (16/8).

Theo Tạp chí Der Spiegel, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẵn sàng từ bỏ chính sách cân bằng tái chính, chấp nhận nợ. Điều này giúp giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tránh được suy thoái kinh tế.

Ngoài tin vui từ bên kia bờ Đại Tây Dương, giới đầu tư phố Wall còn nhận tin vui khi chính quyền Mỹ gia hạn thêm 90 ngày cho các doanh nghiệp Mỹ bán thiết bị cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.

Một thông tin tích cực nữa, 459 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả, có 73% đánh bại các ước tính của phố Wall, theo dữ liệu của Refinitiv.

Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Dow Jones tăng 306,62 điểm (+1,20%), lên 25.886,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,08 điểm (+1,44%), lên 2.888,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 129,38 điểm (+1,67%), lên 7.895,99 điểm.

Dù  hồi phục 2 phiên cuối tuần, nhưng các phiên giảm mạnh trước đó, nhất là phiên bán tháo hôm thứ Tư khiến phố Wall có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 1,53%, S&P 500 giảm 1,03% và Nasdaq Composite giảm 0,79%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin Đức sẵn sàng bỏ chính sách cân bằng tài chính, chấp nhận thâm hụt ngân sách để chống loại suy thoái kinh tế đã giúp thị trường khu vực này đảo chiều tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 16/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,14 điểm (+0,71%), lên 7.117,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 150,07 điểm (+1,31%), lên 11.562,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 63,87 điểm (+1,22%), lên 5.300,79 điểm.

Cũng giống phố Wall, dù tăng mạnh phiên cuối tuần, nhưng không thể giúp chứng khoán châu Âu thoát khỏi tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,88%, chỉ số DAX giảm 1,12%, chỉ số CAC 40 giảm 0,51%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại, nhưng mức tăng nhẹ khi nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn ám ảnh nhà đầu tư. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng bất chấp biểu tình leo thang ở Hồng Kông.

Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,16 điểm (+0,06%), lên 20.418,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,03 điểm (+0,29%), lên 2.823,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 238,76 điểm (+0,94%), lên 25.734,22 điểm.

Phiên hồi phục nhẹ cuối tuần không thể giúp Nikkei thoát khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 1,29%, trong khi Hang Seng giảm tuần thứ 4 liên tiếp với mức giảm 0,79%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite lại hồi phục 1,77% sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Sự khởi sắc của chứng khoán sau các thông tin tích cực đã đẩy giá vàng đi xuống trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 16/8, giá vàng giao ngay giảm 10,1 USD (-0,66%), xuống 1.512,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,6 USD (-0,50%), xuống 1.523,6 USD/ounce.

Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng giá vàng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,11%, giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng tăng 1,00%.

Sau 3 tuần tăng mạnh, lên mức cao nhất 6 năm, giới chuyên gia có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng tăng của giá vàng trong tuần mới, trong khi giới đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan về xu hướng tăng của giá vàng.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời, có 10 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 59%, thấp hơn so với mức 75% của tuần trước và thấp hơn nhiều con số 93% của tuần trước nữa. Số người dự báo giảm là 3 người, chiếm 18%, cao hơn con số 13% của tuần trước. Có 4 người dự báo đi ngang, chiếm 24%, cao hơn con số 13% của tuần trước.

Trong khi đó, trong 1.140 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến – mức cao nhất trong 1 năm, có 815 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 71%, cao hơn so với con số 65% của tuần trước; 168 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 15%, thấp hơn so với mức 21% của tuần trước và 156 người dự báo giá đi ngang, chiếm 14%.

Thông tin kinh tế từ Đức giúp giá dầu hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 2 phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên, mức tăng không quá mạnh khi OPEC giảm dự báo nhu cầu dầu trong những tháng còn lại của năm 2019

Kết thúc phiên 16/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,4 USD (+0,73%), lên 54,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,41 USD (+0,70%), lên 58,64 USD/thùng.

Phiên hồi phục cuối tuần đã giúp giá dầu thô tránh khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ hồi phục 0,68%, giá dầu thô Brent cũng hồi phục 0,19%.

Tin bài liên quan