Trong phiên thứ Năm, các chỉ số chính của phố Wall đang theo xu hướng giảm khi nhà đầu tư thận trọng về khả năng quy định với lĩnh vực ngân hàng có thể bị siết trở lại sau khi Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa tìm được cách tháo nút thắt.
Tuy nhiên, ngay trong nửa cuối phiên sáng, Wall đồng loạt đảo chiều hồi phục sau khi Financial Times đưa ra thông tin cho biết, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói với một nhóm các nhà điều hành công nghiệp rằng, đợt thuế nhập khẩu tiếp theo đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được tạm hoãn.
Sau đó, các chỉ số quay đầu giảm sau khi phát ngôn viên của Lightizer đã lên tiếng phủ nhận thông tin này và cho biết, các kế hoạch về thuế quan không thay đổi. Tuy nhiên, chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên và tăng vọt trong nửa cuối phiên.
Theo giới phân tích, dù nhận được thông tin mâu thuẫn nhau, nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay, bất kỳ một tin hiệu tốt nào cũng được giới đầu tư đón nhận hồ hởi và kỳ vọng, vì vậy thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên hồi phục ấn tượng.
Trong đó, S&P 500 đã chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Tương tự, cổ phiếu Apple cũng hồi phục 2,5% sau 5 phiên giảm liên tiếp và góp phần giúp Nasdaq tăng mạnh nhất trong 3 chỉ số chính của phố Wall.
Không chỉ chỉ số tăng mạnh, thanh khoản thị trường cũng tăng, vượt qua mức trung bình 20 ngày gần nhất.
Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 10 tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo 0,5% của giới phân tích. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 9 được điều chỉnh từ mức tăng 0,1% thành giảm 0,1%, con số của tháng 8 cũng yếu hơn so với công bố ban đầu. Ngoài ra, doanh số bán lẻ cốt lõi trong tháng 9 cũng được điều chỉnh thành tăng 0,3% thay vì 0,5% như công bố ban đầu, còn của tháng 8 giảm 0,2% thay vì không đổi.
Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Dow Jones tăng 208,77 điểm (+0,83%), lên 25.289,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,62 điểm (+1,06%), lên 2.730,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 122,64 điểm (+1,72%), lên 7.259,03 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số mở cửa với mức tăng khá tốt, nhưng sau đó hạ nhiệt và giằng co quanh tham chiếu. Trong nửa cuối phiên, các chỉ số chính đồng loạt lao mạnh do lực bán tháo diễn ra sau khi Chính phủ Anh rơi vào khủng hoảng do mâu thuẫn về Brexit, dù vậy chứng khoán Anh vẫn kịp trở lại trong ít phút cuối phiên, trong khi chứng khoán Đức và Pháp đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 15/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,22 điểm (+0,06%), lên 7.038,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 58,86 điểm (-0,52%), xuống 11.353,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,23 điểm (-0,70%), xuống 5.033,62 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng theo “đồng nghiệp” trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đảo chiều tăng mạnh sau thông tin Bắc Kinh đã soạn thỏa một số điều khoản nhượng bộ với Mỹ để chặn cuộc chiến thương mại leo thang.
Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 42,86 điểm (-0,20%), xuống 21.803,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 35,93 điểm (+1,36%), lên 2.668,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 448,91 điểm (+1,75%), lên 26.103,34 điểm.
Giá vàng tiếp tục có phiên tăng giá khi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn trước đà giảm của chứng khoán trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, mức tăng thấp hơn nhiều so với phiên trước đó do đồng USD hồi trở lại.
Kết thúc phiên 15/11, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD (+0,21%), lên 1.213,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 4,9 USD/ounce (+0,41%), lên 1.215,0 USD/ounce.
Dầu thô tiếp tục có phiên tăng thứ 2 liên tiếp sau thông tin OPEC và các đối tác sẽ thảo luận về việc tăng cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu.
Kết thúc phiên 15/11, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,27 USD (+0,48%), lên 56,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,51 USD (+0,77%), lên 66,63 USD/thùng.