Giới đầu tư bất an, chờ "ngày phán xét"

Giới đầu tư bất an, chờ "ngày phán xét"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, phố Wall khởi đầu năm mới bằng một phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ khi giới đầu tư lo ngại các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử Thượng viện ở Georgia ngày 5/1 và kiểm phiếu đại cử tri ngày 6/1.

Nước Mỹ bắt đầu năm 2021 với một dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc trong tương lai gần. Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins ngày 3/1 cho thấy, có hơn 85 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, trong đó có 20,7 triệu ca nhiễm ở Mỹ. Tổng số người Mỹ tử vong do Covid-19 đã lên tới hơn 350.000 người.

Trong khi đó, số phận chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, bao gồm việc quy định lại thuế, tăng cường kích thích kinh tế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ phụ thuộc vào cuộc đua giành quyền kiểm soát Thượng viện sẽ diễn ra ngày thứ Ba (5/1) ở bang Georgia.

Cuộc đua tại Georgia có thể dẫn tới kịch bản những khó lường. Nếu như cả hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa chiến thắng, Đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm quyền tại đây, ngược lại nếu Đảng Dân chủ thắng, mỗi Đảng sẽ có 50 ghế, điều này sẽ có thuận lợi cho Đảng Dân chủ và tân Tổng Thống.

Sau đó 1 ngày (6/1), Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức kiểm phiếu đại cử tri để chính thức xác nhận ai sẽ là Tổng thống mới của đất nước cờ hoa. Thông thường, đây chỉ là vấn đề thủ tục, vì sau cuộc bầu cử đã xác định được ai sẽ là Tổng thống, nhưng năm nay có sự khác biệt. Bởi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa muốn đảo ngược kết quả bầu cử, nên cuộc kiểm phiếu năm nay dự kiến sẽ có nhiều điều để giới đầu tư lo lắng.

Chỉ số đo lường nỗi sợ hãi trên Phố Wall đã chạm mức cao nhất trong hai tuần qua vào phiên ngày thứ Hai.

Về dữ liệu kinh tế, dữ liệu mới nhất của IHS Markit cho thấy, chỉ số PMI hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng lên 57,1 trong tháng 12 từ mức 56,7 trong tháng trước đó. Đây là tốc độ nhanh nhất của chỉ số này trong hơn sáu năm qua, kể từ tháng 9/2014. Ngoài ra, PMI sản xuất tháng cuối cùng của năm 2020 tại các nước khắp châu Âu và châu Á cũng cho thấy kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, giới đầu tư đang thận trọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao, trong khi nước này đang phải trải qua một đợt hạn chế tiếp xúc xã hội mới vào tháng trước, đồng thời biến thể virus mới đang phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones giảm 382,59 điểm (-1,25%), xuống 30.223,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 55,43 điểm (-1,48 %), xuống 3.700,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 189,94 điểm (-1,47%), xuống 12.698,45 điểm.

Chứng châu Âu khởi đầu năm mới với một phiên giao dịch tích cực trong bối cảnh khi thỏa thuận thương mại Brexit mang tính bước ngoặt vẫn khiến thị trường hưng phấn, bên cạnh các chiến dịch tiêm chủng Covid-19 trên khắp châu lục củng cố kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2021.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể mới của virus Covid-19. Người dân chỉ có thể rời khỏi nhà để mua những thứ cần thiết, làm việc nếu họ không thể làm từ nhà và tập thể dục. Các trường học cũng sẽ chuyển sang hình thức đào tạo từ xa, bao gồm cả trường đại học.

Trong khi đó, theo IMS Markit, chỉ PMI tháng 12/2020 trong lĩnh vực sản xuất của Đức đã tăng lên 58,3 từ mức 57,8 của tháng trước đó.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 111,36 điểm (+1,72%), lên 6.571,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,96 điểm (+0,06%), lên 13.726,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 37,55 điểm (+0,68%), lên 5.588,96 điểm.

Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên giao dịch đầu năm. Chứng khoán Nhật Bản giảm sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết, chính phủ đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các tỉnh xung quanh để ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên nhìn về mặt tích cực, việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Nhật Bản có thể bắt đầu sớm nhất là vào cuối tháng 2/2021.

Chứng khoán Trung Quốc tăng trong phiên đầu tiên của năm 2021 sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy sự phục hồi vẫn đang tiếp diễn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 185,79 điểm (-0,68%), xuống 27.258,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,89 điểm (+0,86%), lên 3.502,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 241,68 điểm (+0,89%), lên 27.472,81 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 70,98 điểm (+2,47%), lên 2.944,45 điểm.

Giá vàng tăng vọt trong phiên giao dịch đầu năm 2021, đóng cửa ở mức cao nhất trong hai tháng qua. Kim loại quý đang được thúc đẩy bởi đồng USD Mỹ suy yếu khi ​​chỉ số USD đạt mức thấp nhất 2,5 năm qua. Thêm vào đó, dòng tiền đang tìm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng ở Mỹ, châu Âu, bên cạnh việc thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo trên diện rộng đêm qua.

Kết thúc phiên 4/1, giá vàng giao ngay tăng 44,20 USD (+2,33%), lên 1.942,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 51,50 USD (+2,72%), lên 1.946,60 USD/ounce.

Giá dầu trượt dốc trong ngày giao dịch đầu tiên của năm sau khi OPEC+ không đưa ra được quyết định xung quanh việc có tăng sản lượng trong tháng Hai hay không do xảy ra mâu thuẫn giữ Nga và Ả Rập Xê-út trong phiên họp vào thứ Hai. T

rong khi Riyadh phản đối việc tăng sản lượng do tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp thì Nga kêu gọi tăng sản xuất để phục vụ cho nhu cầu phục hồi. Các bên sẽ họp lại vào thứ Ba.

Kết thúc phiên 4/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,90 USD (-1,9%), xuống 47,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,71 USD (-1,4%), xuống 51,09 USD/thùng.

Tin bài liên quan