Giới chức tài chính Mỹ và Fed đánh giá nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Mỹ tin tưởng nền kinh tế số một thế giới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng "vượt bậc" trong quý 3 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong doanh số bán lẻ, nhà đất và sản xuất.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 bên ngoài một siêu thị tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN).

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 bên ngoài một siêu thị tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN).

Trong bối cảnh chính trường Mỹ vẫn bế tắc về một gói chi tiêu bổ sung nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới, ngày 22/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã bước vào phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ về cách thức ứng phó với cuộc suy thoái do đại dịch viêm đường COVID-19 gây ra.

Phát biểu tại phiên điều trần, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bày tỏ tin tưởng nền kinh tế số một thế giới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng "vượt bậc" trong quý 3 nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong doanh số bán lẻ, nhà đất và sản xuất cũng như hoạt động kinh doanh.

Ông nhấn mạnh: "Nước Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế nhanh nhất (sau đại dịch COVID-19) so với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào tại Mỹ."

Theo Bộ trưởng Tài chính, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ này là kết quả hợp tác giữa chính quyền và quốc hội trên cơ sở lưỡng đảng nhằm đưa ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử Mỹ, và Fed cũng là một công cụ thúc đẩy đà phục hồi thông qua việc triển khai các biện pháp cho vay khác nhau.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý một số lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ đặc biệt gặp khó khăn do chịu tác động xấu của đại dịch COVID-19, như ngành du lịch và nhà hàng, cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

Quan chức này khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục nỗ lực hợp tác với quốc hội và sẵn sàng đạt được một thỏa thuận cứu trợ COVID-19.

Về phần mình, Chủ tịch Fed Powell cho rằng gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng Ba vừa qua đã giúp hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trước cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ông đồng thời nhấn mạnh rằng đà phục hồi sẽ nhanh hơn nếu có thêm các biện pháp kích thích tài chính.

Theo Chủ tịch Powell, nhiều chỉ số kinh tế cho thấy sự cải thiện rõ rệt, như chi tiêu của hộ gia đình dường như đã phục hồi khoảng 75% so với mức giảm trước đó, có thể một phần nhờ gói kích thích kinh tế liên bang và trợ cấp thất nghiệp được mở rộng.

Ông viện dẫn Đạo luật CARES đã cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các doanh nghiệp nhỏ, bổ sung 600 USD cho trợ cấp thất nghiệp hằng tuần và hỗ trợ trực tiếp 1.000 USD cho người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Fed cho biết cả nhịp độ trên thị trường việc làm và hoạt động kinh tế nói chung vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, khi hiện vẫn còn 11 triệu người thất nghiệp trong số 22 triệu người đã bị cho nghỉ việc vào tháng Ba và tháng Tư, thời điểm dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng khiến các hoạt động kinh doanh đình trệ.

Chủ tịch Powell cũng dự báo con đường phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như các hành động chính sách được thực hiện ở tất cả các cấp chính quyền.

Ông cho rằng đà phục hồi kinh tế sẽ nhanh hơn nếu chính sách tiền tệ và tài chính có thể song hành cùng nhau để hỗ trợ những đối tượng khó khăn.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý 2 vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà virus SARS-CoV-2 lây lan.

Mặc dù một số lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ như doanh thu bán lẻ và nhà đất đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, song số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng và quốc hội đang bế tắc về một gói chi tiêu bổ sung nhằm hỗ trợ đà phục hồi.

Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Mặc dù nhận định nền kinh tế đang tự phục hồi "mạnh mẽ" và có thể không cần thêm gói kích thích mới, song Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng một gói hỗ trợ với mục tiêu hướng tới những đối tượng cụ thể sẽ là một công cụ "trợ giúp đắc lực" giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan