Vượt lên khó khăn để tồn tại và phát triển là những đức tính doanh nhân Việt đã có và đang phát huy mạnh mẽ

Vượt lên khó khăn để tồn tại và phát triển là những đức tính doanh nhân Việt đã có và đang phát huy mạnh mẽ

Gieo hạt giống thành công

(ĐTCK) Một con đường dài 3 mét được trải bằng mảnh chai và các doanh nhân đi trên đó bằng đôi chân trần. Đó không chỉ đơn giản là một trò chơi mạo hiểm, những người chứng kiến đều có cảm giác rất thực rằng, các doanh nhân phải vượt qua rất nhiều chông gai và thử thách mới đến được thành công.

“Chưa có năm nào khó khăn như 2012”, đó là câu nói cửa miệng của tất cả những doanh nhân mà ĐTCK có dịp đối thoại. Khủng hoảng kinh tế không ai muốn, song vẫn đến như một sự tất yếu và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân chứng tỏ được bản lĩnh của mình. Vượt lên khó khăn, tự làm mới mình để thích ứng với tình hình hiện tại nhằm nâng cao hiệu suất kinh doanh, cạnh tranh để tồn tại và phát triển là những đức tính doanh nhân Việt đã có và đang phát huy mạnh mẽ.

Bên lề một hội nghị lớn, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) vẫn giản dị trong bộ đồng phục của Công ty. Dưới bàn tay chèo lái của ông và sự tận tâm của các cộng sự, từ một doanh nghiệp nhỏ với số vốn 750 triệu đồng, giờ đây AGPPS đã có quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, tổng tài sản gấp 3 lần vốn, cổ tức chia cho cổ đông mấy năm gần đây ít nhất 30%/năm. Năm nay, theo lời vị Chủ tịch, lợi nhuận 600 tỷ đồng chắc chắn trong tầm tay Công ty.

Có được thành công ấy, ông Thòn gói gọn bí quyết trong triết lý kinh doanh, mà theo lối nói vui của chúng tôi “trước là phục vụ, sau là kiếm ăn”. Doanh nghiệp làm càng tốt, đóng góp cho xã hội càng nhiều, thì lợi ích càng lớn. AGPPS tâm niệm và thường xuyên thực hiện “phân phối và phân phối lợi nhuận sao cho hợp lý và đạo lý”. Ấy vậy nhưng triết lý kinh doanh của ông Chủ tịch lại đang gặp thách thức và thiếu sự sẻ chia từ một số cổ đông lớn trong Công ty, khi quan điểm lợi nhuận và tối đa hóa lợi ích được họ coi là thượng tôn trong hoạt động.

Sau những ngày lao tâm khổ tứ, chăm lo cho từng gốc lúa với bao tâm huyết của mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, AGPPS đã đưa hạt gạo vào được thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới, mở ra cánh cửa đưa hạt gạo Việt Nam tiến xa hơn, có giá trị hơn. Dẫu vậy, sau câu chuyện thành công, vẫn thấy phảng phất đâu đó vị mặn, đến từ những vất vả lo toan do môi trường kinh doanh khó khăn một phần, đến từ những tính toán vị kỷ của ai đó nhiều phần.

Từ xứ gạo trắng nước trong An Giang, câu chuyện của chúng tôi lại trôi về vùng Cà Mau, nơi địa đầu của đất nước. Tiếng là ông chủ của doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam, song từ vài tháng trở lại đây, những chuyến công tác của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú dày đặc hơn, bởi phải chăm lo, gìn giữ cho những thị trường cũ và mở mang, khai phá thị trường mới. Vừa trở về sau chuyến đi Nga, một thị trường còn rất lạ với tôm Minh Phú, ông Quang chia sẻ, nghề tôm nhìn vậy nhưng không nhàn, nhất là khi năm nay, cuộc đua cạnh tranh trên thị trường quốc tế để đem từng đồng ngoại tệ về Việt Nam ngày một gay gắt, quyết liệt. Gắn bó vài chục năm với nghề, chưa bao giờ những doanh nhân như ông Quang phải “đối trong, giữ ngoài” vất vả như năm nay.

Ấn tượng qua phòng làm việc của ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn DBC, doanh nghiệp hàng đầu của xứ quan họ Bắc Ninh lại là những câu thơ dành tặng cho một doanh nhân - người lính. Để có cơ ngơi ngày hôm nay từ một doanh nghiệp bên bờ phá sản, ông So và các cộng sự đã trải qua nhiều ngày làm việc không có khái niệm nghỉ ngơi. Khó là vậy, ông vẫn cố gắng bám trụ với ngành nghề chính là thức ăn chăn nuôi và duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho 5.000 người lao động. Ông bảo, đầu tàu nản chí sẽ lạc bước cả con tàu và nhấn chìm hạnh phúc bình dị của hàng nghìn gia đình gắn theo nó.

Những doanh nhân ấy đều là người bản lĩnh và thành đạt. Họ sẽ là những người có khả năng vượt qua khủng khoảng, tinh thần lãnh đạo và sự quyết tâm của họ sẽ thúc đẩy sự phát triển không ngừng của công ty.

Câu chuyện của những doanh nghiệp Việt Nam trôi qua khiến tôi nhớ tới người đạt giải nhất Giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới năm 2012, đó là Tiến sĩ James Mwangi, CEO kiêm Giám đốc quản lý Ngân hàng Equity của Kenya. Ông James đã vượt qua 58 doanh nhân xuất sắc đến từ 51 quốc gia không bởi Equity Bank có quy mô phục vụ tới 7 triệu khách hàng, mà bởi nó đã truyền sức sống cho hàng triệu người dân nghèo tại đất nước Kenya thông qua những khoản tín dụng mà từ trước đến nay họ chưa từng được tiếp cận.

Tinh thần và bản lĩnh, những sáng kiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ là những gì đọng lại khi nhắc đến ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2012. Hãy chia sẻ và động viên để các doanh nhân nuôi dưỡng khát vọng, tiếp tục đưa từng tế bào của cơ thể nền kinh tế vững mạnh, để một ngày nào đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt ra khỏi biên giới, sánh tầm với các công ty lớn trên thế giới. Xin lấy lời một bài hát “Doanh nhân là những người làm giàu cho bản thân và đất nước. Bao nhọc nhằn, cam go phía trước, doanh nhân không nản lòng chùng bước. Doanh nhân là chiến sĩ của ngày nay, chiến sĩ kinh doanh, chiến sĩ thời bình” thay cho lời kết về sự cảm phục trước những doanh nhân Việt  - những chiến sĩ kinh doanh.