Giật mình cuối phiên, giới đầu tư vội vàng rút lui

Giật mình cuối phiên, giới đầu tư vội vàng rút lui

(ĐTCK) Đang trên đà tăng điểm tốt, phố Wall đã quay đầu lao mạnh trong ít phút cuối phiên khi giới đầu tư run sợ trước việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 4 năm.

Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy, cơ quan này cũng không còn quá lo ngại về lạm phát vì tin tưởng nó đi cùng với đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Khả năng tăng lãi suất trong tháng 3 này cũng lên tới 93%, nhưng giới đầu tư không quá lo lắng về vấn đề này.

Trước đó, nỗi lo lạm phát đã khiến phố Wall mất 10%, nhưng thị trường sau đó đã hồi phục dần khi giới đầu tư đã lấy lại được sự bình tĩnh.

Do đó, dù đứng trước khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 3, nhưng phố Wall đã hồi phục trở lại khi bước vào phiên thứ Tư sau khi giảm mạnh trong phiên thứ Ba do kết quả kinh doanh thất vọng của Walmart. Đà tăng duy trì tốt trong gần như suốt thời gian của phiên giao dịch, thậm chí gần cuối phiên còn nhảy vọt lên.

Tuy nhiên, trong ít phút cuối phiên, việc lợi suất trái phiếu 10 năm của kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 4 năm trước khả năng Fed tăng lãi suất đã khiến giới đầu tư run sợ và đẩy mạnh bán ra, kéo các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt đảo chiều và lao mạnh xuống dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Dow Jones giảm 166,97 điểm (-0,67%), xuống 24.797,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,93 điểm (-0,55%), xuống 2.701,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,08 điểm (-0,22%), xuống 7.218,23 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính tiếp tục trái chiều. Trong khi chứng khoán Anh hồi phục trở lại, chứng khoán Pháp duy trì đà tăng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của Glencore và Lloyds, thì chứng khoán Đức lại đảo chiều giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,80 điểm (+0,48%), lên 7.281,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 17,41 điểm (-0,14%), xuống 12.470,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,32 điểm (+0,23%), lên 5.302,17 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông đã hồi phục trở lại, trong đó chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, lấy lại cả vốn lẫn lãi đã mất trước đó khi giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục khi thị trường này mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Chứng khoán Nhật Bản dù có những khó khăn do đà sụt giảm của cổ phiếu ô tô khi doanh số bán xe tại Mỹ giảm, nhưng nhờ đồng yên giảm so với đồng USD, nên vẫn có được sắc xanh khi chốt phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 45,71 điểm (+0,21%), lên 21.970,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 558,26 điểm (+1,81%), lên 31.431,89 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng lình xình trong suốt phiên giao dịch châu Á và châu Âu, cũng như đầu phiên Mỹ. Sau đó, giá kim loại quý tăng lên khi đồng USD đảo chiều sau khi giới đầu tư phản ứng với khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 3 sau biên bản cuộc họp tháng 1 được công bố. Tuy nhiên, đồng USD sau đó nhanh chóng hồi phục, khiến giá vàng đảo chiều giảm trở lại và tiếp tục có phiên giảm giá trong ngày thứ Tư, dù đà giảm khiêm tốn hơn nhiều so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 21/2, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD/ounce (-0,35%), xuống 1.324,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 0,9 USD/ounce (+0,07%), lên 1.332,1 USD/ounce.

Giá dầu thô điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư khi đồng USD tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đà giảm sau đó được hãm lại sau khi dữ liệu mới từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm, trái ngược với dự báo của giới phân tích.

Kết thúc phiên 21/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,47 USD (-0,76%), xuống 61,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,23%), xuống 65,10 USD/thùng.

Tin bài liên quan