Giao thương với khu vực thị trường châu Á 10 tháng 2020 ghi nhận 282,4 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2019.
Thông tin được Tổng cục Hải quan đưa ra ngày 16/11/2020 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu nước ta trong tháng 10 đạt 51,58 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước. Lũy kế hết tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 440,09 tỷ USD, tăng 2,7% với cùng kỳ 2019.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 229,79 tỷ USD, tăng 5%, tương ứng tăng 10,85 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 210,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%, tương ứng tăng 661 triệu USD.
Trong tháng 10, cán cân thương mại thặng dư 2,94 tỷ USD. Kết quả này đã góp phần đưa con số xuất siêu của 10 tháng qua lên đến gần 19,5 tỷ USD.
10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 162,39 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 133,47 tỷ USD, tăng 8%. Cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt con số xuất siêu 28,92 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, hết tháng 10, trao đổi thương mại với châu Mỹ đạt 91,24 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,2%) trong tổng kim ngạch của cả nước.
Hết tháng 10, giao thương với thị trường này đạt 282,49 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 113,31 tỷ USD, tăng nhẹ 1% và trị giá nhập khẩu là 169,18 tỷ USD, tăng 0,6%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu với các châu lục còn lại lần lượt là: châu Âu đạt 52,69 tỷ USD, giảm 3,9%; châu Đại Dương đạt 8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% và châu Phi đạt 5,67 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Công Thương, trao đổi thương mại với khu vực thị trường châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết hôm 15/11 đi vào thực thi (Dự kiến sau 18 tháng).
Sau 8 năm đàm phán, FTA giữa ASEAN với 5 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã được ký kết, hình thành nên khu vực thị trường lớn nhất từ trước đến nay.
Là FTA lớn nhất thế giới, Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia RCEP cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.