Tăng trưởng GDP trong công nghiệp đạt 7,3-7,65%
Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP trong công nghiệp năm 2018 đạt 7,3-7,65%; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 (IIP) đạt mức 9-10,8%, trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,5-14,5%, sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Chỉ tiêu tăng GDP ngành dịch vụ năm 2018 đạt mức 7,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 475,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2017, trong đó: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 235,5 tỷ USD, tăng 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 240 tỷ USD, tăng 13,7%. Nhập siêu khoảng 4,5 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Chính phủ yêu cầu Bộ cần theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng;
Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để sớm đưa các công trình công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động và bảo đảm chất lượng.
Phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch giao đối với các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, cụ thể kế hoạch giao: Dầu thô 13,23 triệu tấn; khí đốt 9,6 tỷ m3; than 41,5 triệu tấn; điện sản xuất 212,7 tỷ kWh…
Các sản phẩm có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế như ô tô và xe máy trong nước, sắt thép, điện thoại, quần áo, da giầy, túi xách, sữa bột, phân NPK/Ure/lân, bia v.v… cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường cả trong nước và ngoài nước, có kế hoạch tăng trưởng cụ thể cao hơn mức tăng trong năm 2017.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp để mở rộng thị trường khu vực và quốc tế, coi thị trường quốc tế làm mục tiêu để đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng sản xuất trong nước.
Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa; tổ chức tốt hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, trước mắt là các đô thị lớn và các vùng trung tâm.
Xuất khẩu 40 tỷ USD nông sản
Bộ NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và cơ quan chức năng tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát quá trình sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường;
Khắc phục tình trạng đầu tư phát triển sản xuất theo phong trào dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân; tăng cường chế biến sâu các sản phẩm nông sản,
Kiểm soát chặt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc tổ chức lại thị trường nông sản trong nước, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống (đặc biệt là các thị trường lớn) gắn với việc tập trung tìm kiểm các thị trường xuất khẩu mới.
Đẩy mạnh thực hiện Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu năm 2018, có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT cần theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền kịp thời trên các phương tiện để người nông dân chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh. Giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, hạn chế tối đa tình trạng thâm nhập, lây lan dịch bệnh.
Đối với ngành thủy sản, cần tiếp tục các giải pháp khai thác thủy sản bền vững, ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp, triển khai có hiệu quả việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Liên minh châu Âu.
Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi
Bộ Xây dựng được giao phấn đấu tăng GDP xây dựng năm 2018 đạt mức 9,21%. Muốn vậy, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trong việc cấp phép xây dựng và quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các công trình;
Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả các công trình xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện các giải pháp bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; tăng cường quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ cung cầu vật liệu xây dựng, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Bộ GTVT phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động một số dự án giao thông trọng điểm và bảo đảm chất lượng đặc biệt là các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải;
Ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa phía nam; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác thông qua các giải pháp đầu tư thích hợp; tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm tải trọng phương tiện, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bộ VHTT&DL cần tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung xúc tiến một số điểm đến quan trọng và có sản phẩm du lịch nổi bật, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến trong khu vực;
Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và từng vùng, từng địa phương nhằm từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chính phủ giao nhiệm vụ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt từ 7,4% trở lên.
Bộ KH&CN cần đẩy nhanh hoạt động cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai các hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ, trong đó chú trọng xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình sản xuất của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.
Bảo đảm ổn định vĩ mô
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động hiệu quả và phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Tín dụng cần tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng.
Đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là bất động sản và chứng khoán; bảo đảm vốn tín dụng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.
Bộ KH&ĐT phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, có biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng tiêu cực trong đấu thầu. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng.
Hội nghị cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị tham dự Hội nghị. Giao Bộ KH&ĐT phối hợp với VPCP tổng hợp, đề xuất các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ Thủ tướng, Chính phủ.