Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu hiện nay còn rất nhiều bất cập.
Thông quan còn chậm
Giảm thời gian thông quan là yêu cầu luôn được đặt ra trong các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Trên thực tế, thời gian thông qua bị kéo dài không phải nằm ở thủ tục hải quan, mà nằm ở khâu kiểm tra chuyên ngành. Mục tiêu các nghị quyết đặt ra là đến năm 2020 phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 25-27%, xuống còn tối đa 10%; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện tại các bộ, ngành vẫn thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan đối với 78.000 mặt hàng, tức là chỉ giảm được 12.000 mặt hàng so với năm 2015; tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành hiện tại là 19,4%, thay vì tối đa 10% như mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, nhiều bộ, ngành đã có chuyển biến tích cực trong việc kiểm tra chuyên ngành như Bộ Y tế đã thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý an toàn thực phẩm, khắc phục sự chồng chéo, nhiều tầng nấc quản lý trong thủ tục liên quan đến kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đơn giản hóa thủ tục và nội dung hồ sơ kiểm dịch động, thực vật; cải cách về quy định kiểm dịch động, thực vật…
Song, nhìn vào số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan kể trên, bà Thảo nhận định: “Chuyển biến, nhưng rất chậm, không đạt yêu cầu của Chính phủ cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp”.
Số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhiều, tỷ lệ lô hàng bị kiểm tra chuyên ngành trên tổng số lô hàng nhập khẩu vẫn còn gấp đôi yêu cầu Chính phủ đặt ra, nhưng theo bà Lê Nguyễn Việt Hà, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), tỷ lệ lô hàng không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm bị phát hiện sau khi kiểm tra chuyên ngành chỉ có 0,03% tổng số lô hàng bị kiểm tra.
“Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu hiện nay còn rất nhiều bất cập, trong đó có việc áp dụng kiểm tra đối với từng lô hàng của từng chủ hàng. Nhiều loại hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn, nhưng vẫn thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan như thang máy, nồi hơi công nghiệp, cần cẩu…”, bà Hà nói.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành cho rằng, những bất cập hiện nay trong kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp và là một trong những yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể, từ đó dẫn tới giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại.
Bộ, ngành băn khoăn
Cũng theo ông Mai Xuân Thành, Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Bộ Tài chính hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ sẽ giải quyết triệt để tồn tại, bất cập hiện nay.
Nội dung chính của Đề án là giao cơ quan hải quan làm đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây chính là bước đột phá trong cắt giảm thủ tục hành chính; giảm thời gian thông quan; cắt giảm nguồn lực, chi phí cho cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhưng vẫn nâng cao được tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham, doanh nghiệp châu Âu đánh giá rất cao mô hình kiểm tra chuyên ngành mới theo cách giao cho cơ quan hải quan là đầu mối duy nhất thực hiện kiểm tra chuyên ngành, thay vì cơ quan quản lý nhà nước nào cũng nhảy vào, thậm chí một lô hàng nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành khác nhau.
Thành viên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, bà Bùi Kim Thùy cũng cho rằng, việc đưa toàn bộ hoạt động kiểm tra chuyên ngành về chất lượng và an toàn thực phẩm về một đầu mối là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế vì tạo điều kiện tối đa cho hoạt động ngoại thương.
“Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN rất ủng hộ việc Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan, trong đó có việc xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Doanh nghiệp rất mong muốn Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Đề án ”, bà Thùy nhấn mạnh.
Xây dựng Đề án, cơ quan hải quan nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng nhiều bộ, ngành lại đang băn khoăn.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) tuy vẫn đồng ý cần phải cải cách thủ tục, nhưng theo ông “cải cách phải tuân theo quy định của pháp luật, chứ không phải muốn cải cách kiểu gì cũng được”.
Ông Tuấn nói vậy vì thời gian qua, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa kiểm tra 1.000 lô hàng nhập khẩu, đã phát hiện ra 40 lô không đạt chất lượng (tỷ lệ vi phạm lên tới 4%), xử phạt vi phạm hành chính 2,6 tỷ đồng. “Nếu không kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu, hàng hóa đã đưa vào thị trường tiêu thụ mà ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, lây lan bệnh dịch, gây chết người thì ai chịu trách nhiệm”, ông Tuấn lo lắng.
Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng thủy sản từ năm 2017 đến năm 2019, cơ quan chức năng đã ra 61 quyết định xử phạt, cao gấp nhiều lần tỷ lệ mà cơ quan hải quan đưa ra, chưa kể xử phạt hành chính đối với thức ăn thủy sản nhập khẩu không bảo đảm chất lượng. “Cần phải có đánh giá tác động của Đề án trước khi trình Chính phủ”, vị này đề nghị.
Bất cập trong kiểm tra chuyên ngành hiện nay là nguyên nhân căn bản khiến Chỉ số chung về môi trường kinh doanh năm 2020 (DB2020) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố bị giảm một bậc, từ vị trí thứ 69 xuống 70/190 nền kinh tế. Trong đó, Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới giảm 4 bậc, từ vị trí thứ 100 xuống 104.