Giao dịch nội gián trong chứng khoán ngày càng phức tạp, tinh vi, dễ gây mất công bằng cho các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Giao dịch nội gián trong chứng khoán ngày càng phức tạp, tinh vi, dễ gây mất công bằng cho các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Giao dịch nội gián: Nên có một tòa án riêng xét xử

Trong một hội thảo mới đây ở Trường ĐH Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết, giao dịch nội gián (sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán) đang gây mất công bằng, thiệt hại quyền lợi của các cổ đông khác.

Nội gián ngày càng tinh vi

 

Thạc sĩ Lê Chí Thủ Khoa, Phó giám đốc Phòng nghiên cứu phát triển - Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), nhận định: “Không chỉ chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các công ty mà người nhà của họ, thậm chí người môi giới chứng khoán cũng có thể hoạt động nội gián. Việc này mang lại lợi nhuận khổng lồ trong một thời gian ngắn. Người thực hiện thường phải trả nhiều tiền để mua lại thông tin mật hoặc thông tin chưa công bố. Hành vi này vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

 

Nâng tầm quốc tế về bảo vệ cổ đông

 

Chỉ thị về quyền cổ đông của Liên minh châu Âu ngoài những quy định “thoáng mà chặt” cho các công ty chứng khoán còn cho phép công ty của các nước thành viên tham gia đại hội dưới mọi phương tiện điện tử, thậm chí ủy quyền bằng điện tử.

 

Chẳng hạn họp đại hội bằng việc truyền hình trực tiếp, cổ đông các nước biểu quyết mà không cần người đại diện có mặt tại đại hội. Luật liên quan đến cổ đông của liên minh cũng quy định cổ đông được quyền yêu cầu bổ sung chương trình nghị sự và quyền đề xuất dự thảo nghị quyết về các vấn đề được nghị sự.

 

Theo tôi, pháp luật và cách tổ chức của Liên minh châu Âu là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong hoạt động cổ đông tại công ty cổ phần cạnh các công ty đại chúng.

 

Tiến sĩ Phan Huy Hồng, Trường ĐH Luật TP. HCM

Hội thảo dẫn chứng, hồi tháng 3, bà Đ., cổ đông của một công ty cổ phần về khoáng sản tại Hà Nam, tiết lộ thông tin nội bộ việc triển khai dự án khai thác mỏ vàng sa khoáng cho hai người khác để giao dịch cổ phiếu trước khi thông tin này được công bố. Ba người này đã bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt 165 triệu đồng. Hiện còn ba trường hợp khác cũng đang bị xem xét xử lý do nghi là giao dịch nội gián.

 

Ông Khoa đề xuất: “Nên lập một tòa án riêng chuyên giải quyết các vụ về giao dịch nội gián, giao dịch không công bằng. Bởi Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự đã quy định tội dùng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bị phạt tiền từ 100 triệu, 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Hơn nữa, loại vi phạm này ngày càng phổ biến, càng nhiều và phức tạp, tinh vi…”.

 

Công bố thông tin minh bạch

 

Theo đánh giá của lãnh đạo HOSE, việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán rất quan trọng, nhạy cảm, có thể đánh sụp một thị trường mạnh nhất. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều công ty vi phạm, công bố thông tin bất thường, đặc biệt là giao dịch của các cổ đông nội bộ. Trong đó, các công ty chưa niêm yết thường vi phạm nhiều hơn.

 

Tiến sĩ Bùi Xuân Hải, Trưởng khoa Luật thương mại ĐH Luật TP. HCM đề nghị, vấn đề công khai hóa thông tin cả bên trong và bên ngoài công ty đại chúng đều quan trọng. Bởi nó cung cấp chi tiết cho cổ đông, giúp cổ đông giám sát tốt, giảm tư lợi và có tác dụng răn đe hữu hiệu với người quản lý công ty. Mặt khác giúp công chúng hiểu rõ về công ty và những hoạt động.

 

Nhiều chuyên gia góp thêm, cần bổ sung và điều chỉnh một số điều luật chuyên ngành. Cụ thể là bổ sung yêu cầu công bố thông tin định kỳ và bất thường phù hợp với quy mô, tính đại chúng của công ty đại chúng, không phân biệt với tổ chức niêm yết.

 

Một thẩm phán của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM nói, việc chào bán chứng khoán ra công chúng cần bổ sung trong Luật Chứng khoán theo hướng công ty phát hành phải có cam kết đưa cổ phiếu vào niêm yết, giao dịch trong vòng sáu tháng để thu hẹp thị trường tự do. Ngược lại, việc chào mua công khai luật cũng chưa nói rõ trường hợp nào phải chào mua, trường hợp nào được miễn việc đăng ký mua nên cũng phải làm rõ…