Giao dịch nhà đất: Sai một li, đi bạc tỷ!

Giao dịch nhà đất: Sai một li, đi bạc tỷ!

(ĐTCK) Mặc dù đã có nhiều vụ việc làm gương mà trong đó đương sự mất cả chì lẫn chài, nhưng vẫn không thiếu người bất cẩn trong mua bán đất đai để rồi tiền mất, nợ mang.

Mua bán đất đai là những giao dịch có giá trị lớn, được pháp luật quy định những thủ tục bắt buộc. 

Giao dịch nhà đất: Sai một li, đi bạc tỷ! ảnh 1Khi chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng thì không nên giao tiền

 

Mới đây nhất, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Xuân Chính (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Chính đã tự tạo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của lô đất 52.300 m2 ở Lĩnh Nam, Hà Nội, ghi tên chủ sở hữu là bà Phạm Thị Ngọc, mẹ vợ của Chính và bán cho bà Nguyễn Thị Mai Hương (Hà Nội) một phần với giá 7,2 tỷ đồng. Phần xét hỏi tại Tòa đã làm rõ thủ đoạn lừa đảo của Chính, không chỉ làm giả GCNQSDĐ, Chính còn tự vẽ hồ sơ thiết kế quy hoạch giai đoạn I của lô đất và tự nhận đang làm việc tại UBND TP. Hà Nội.

Ngoài ra, phần xét hỏi cũng cho thấy, người mua đất đã chủ quan không kiểm tra lại thông tin về mảnh đất dẫn đến bị lừa. Bà Hương cho biết, Chính nhận là người nhà của một quan chức cấp cao của Hà Nội, do bạn làm ăn thân thiết giới thiệu, hơn nữa Chính đưa ra GCNQSDĐ nên rất tin tưởng. Trong quá trình ký kết hợp đồng, các bên đã nhờ văn phòng luật sư soạn thảo, bà Hương đã ký vào hợp đồng dù bà Ngọc, người đứng tên trên GCNQSDĐ không có mặt để ký. Không chỉ thế, hợp đồng được lập vào lúc 10h tối và khi đó bà Ngọc chưa ký tên, nhưng bà Hương vẫn giao ngay 5 tỷ đồng cho Chính. Tiếp đó, ít ngày sau, Chính gọi điện yêu cầu bà Hương giao thêm 1 tỷ đồng. Bà Hương tiếp tục giao tiền mà không lấy giấy biên nhận. Như vậy, tổng cộng bà Hương bị Chính lừa lấy 6 tỷ đồng.

Mặc dù đã có những bài học đau xót khi đương sự bị lừa lấy tiền trong các giao dịch nhà đất, song thực tế cho thấy, vì chủ quan và ham lợi nhuận, vẫn có nhiều người nhắm mắt đưa chân, tin tưởng vào các giao dịch ma. Chẳng hạn, vụ án Lương Thị Răm (Thái Bình) đã nhiều lần làm giả các giấy tờ, hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà đất với một số chủ sở hữu đất và lấy đó làm công cụ lừa đảo. Răm đã 6 lần bán đất cho 3 người để lừa lấy 810 triệu đồng.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, giao dịch nhà đất là loại giao dịch mà pháp luật có quy định về thủ tục, do đó người tham gia giao dịch cần phải tuân thủ đúng quy định đó để được pháp luật đảm bảo quyền sở hữu tài sản. Luật sư Hướng khuyến cáo, nguyên tắc đầu tiên phải kiểm tra xem đất đó có đủ điều kiện để chuyển nhượng, kiểm tra đất có nguồn gốc rõ ràng, không bị thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho một nghĩa vụ nào, không bị Nhà nước thu hồi, không vướng vào quy hoạch… Người mua cần phải đến kiểm tra thực trạng đất, xem ai đang quản lý và sử dụng đất. Sau đó, kiểm tra sổ đỏ tại các văn phòng đăng ký nhà đất hoặc tại phường, xã. Cũng cần cân nhắc xem nhà đất có vướng vào quy hoạch không, tất nhiên, nếu nhà đất có vướng vào quy hoạch thì cũng không mất hẳn quyền lợi, nhưng có bất lợi là việc sử dụng không ổn định.

Thứ hai, nhà đất muốn giao dịch được phải có GCNQSDĐ nhà, đất và tài sản gắn liền trên đất và hợp đồng phải được công chứng chứng thực, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Người đi mua đất chỉ được đảm bảo quyền lợi khi ký hợp đồng và nộp thuế trước bạ xong, nếu chỉ ký hợp đồng mà chưa nộp thuế trước bạ thì quyền lợi vẫn chưa chắc chắn nếu có tranh chấp trên hợp đồng. Khi đã nộp thuế trước bạ tức là Nhà nước đã thừa nhận giao dịch đó và quyền lợi cũng được đảm bảo chắc chắn.

Cẩn trọng thứ ba là giao tiền, khi chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng thì không nên giao tiền. Chỉ khi ký hợp đồng xong, nhận sổ đỏ, bàn giao nhà xong, người mua mới nên giao đủ tiền. Trong các quy định của Luật Dân sự, quyền sổ hữu gồm quyền chiếm giữ, quyền sử dụng và quyền định đoạt, trong đó quyền định đoạt là quan trọng nhất. Song nếu người đang sử dụng chiếm giữ không giao nhà thì dễ dẫn đến tranh chấp kéo dài và phức tạp. Khi đó, người mua có thể phải thực hiện một vụ kiện dân sự để đòi nhà đất. Thông thường, các văn phòng luật sư đều có quy trình chặt chẽ để tư vấn cho khách hàng nhằm đảm bảo tránh rủi ro trong giao dịch nhà đất.

Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, để phòng tránh rủi ro trong giao dịch nhà đất, nhất là trong trường hợp sổ giả phôi thật, người dân tốt nhất là đến cơ quan nhà nước, ở đây là các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở tỉnh, thành phố, quận, huyện làm thủ tục theo đúng quy định. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra giấy tờ gốc và cơ bản phát hiện được nếu đó là giấy tờ giả mạo.