Giao dịch dưới mệnh giá, Công ty Chứng khoán An Phát (APG) vẫn tham vọng tăng vốn lên nghìn tỷ

Giao dịch dưới mệnh giá, Công ty Chứng khoán An Phát (APG) vẫn tham vọng tăng vốn lên nghìn tỷ

(ĐTCK) Là công ty chứng khoán gần ở tầm trung với mức vốn điều lệ 340,2 tỷ đồng, suốt thời gian dài cổ phiếu nằm dưới mệnh giá, nhưng APG đang tham vọng bán hơn 69,7 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên hơn 1.037,8 tỷ đồng. Phương án này liệu có khả thi?

Ngày 31/7 tới, Công ty Chứng khoán APG (mã APG - HOSE) sẽ triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 để thông qua một số đường hướng phát triển mới.

APG có nhiều nỗ lực “làm mới” gần đây như đổi tên từ Công ty Chứng khoán An Phát thành Công ty Chứng khoán APG, chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HOSE, vận hành website cũng như hệ thống giao dịch online mới...

Một trong những nội dung đáng chú ý là HĐQT APG sẽ trình Đại hội xem xét thông qua phương án tăng vốn từ 340,2 tỷ đồng hiện tại lên hơn 1.037,8 tỷ đồng bằng việc phát hành hơn 69,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu theo tỷ lệ 1:2 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Với thực lực hiện tại, kế hoạch tăng vốn của APG gây không ít băn khoăn về tính khả thi. Thực tế, trong năm 2018, APG còn hoạt động với số vốn thuộc nhóm công ty chứng khoán nhỏ là 135 tỷ đồng. Mới đầu năm 2019, thông qua chào bán riêng lẻ 20,5 triệu cổ phiếu, APG đã thu về 205 tỷ đồng, qua đó nâng vốn lên 340,2 tỷ đồng.

Tiếng là phát hành riêng lẻ, nhưng lượng cổ phiếu chào bán thành công không tập trung vào một vài nhà đầu tư với lượng mua lớn, mà được bán rải đều cho 21 nhà đầu tư với tỷ lệ nắm giữ từ 2- hơn 3% cổ phần. Sau đợt phát hành này, các nhà đầu tư này nắm giữ tổng cộng 60,24% cổ phần của APG.

Đáng chú ý, trước khi tham gia đợt phát hành, 21 nhà đầu tư trên đều chưa sở hữu cổ phiếu APG nào. Điều này đồng nghĩa Ban lãnh đạo chủ chốt của APG gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Hưng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Thiên Hà, Kế toán trưởng Nguyễn Thanh Nghị… đều đứng ngoài đợt phát hành này.

Sức ảnh hưởng trên thị trường, hiệu quả kinh doanh hạn chế cũng khiến nỗ lực gọi vốn của APG đối diện với nhiều thách thức. Theo báo cáo tài chính quý II/2019, APG chỉ lãi hơn 3,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, APG đạt 6,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Về khách quan, đợt tăng vốn này của APG khó khả thi còn bởi suốt thời gian dài, cổ phiếu APG luôn nằm dưới mệnh giá (đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/7, APG có giá 9.100 đồng/cổ phiếu), trong khi APG đang tham vọng chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc Trần Thiên Hà cho biết, APG đang ở vào thế không thể không tăng vốn, cho dù biết sẽ rất khó khăn.

"Đã có tình trạng khách hàng tìm sang công ty chứng khoán khác khi giao dịch chứng khoán phái sinh, mặc dù giao dịch chứng khoán trên thị trường cơ sở họ vẫn sử dụng dịch vụ của APG. Tất nhiên, tình trạng này kéo dài là không ổn, vì APG đối mặt với rủi ro mất khách hàng.

Trong khi đó, để đáp ứng điều kiện được tự doanh, môi giới chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu lần lượt từ 600 tỷ đồng và 800 tỷ đồng trở lên, nên APG phải tăng vốn", ông Hà nói và cho hay, lượng vốn tăng thêm trước mắt sẽ giúp APG đủ điều kiện tham gia thị trường phái sinh, tiếp đến là phát hành chứng quyền có đảm bảo. APG hiện có khoảng 400 cổ đông nên hy vọng đợt tăng vốn này sẽ thu hút được nhà đầu tư tham gia.

"Nếu được Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua, APG sẽ thực hiện nhiều bước để tăng vốn. Do đó, nhanh thì vào quý IV/2019, chậm thì quý I/2020 mới có thể triển khai kế hoạch tăng vốn. Giá trị sổ sách của APG vào cuối năm 2018 là 10.754 đồng/cổ phiếu. Cùng với quá trình đổi mới, Công ty đang được thúc đẩy theo hướng đầu tư chiều sâu cho hạ tầng công nghệ, đội ngũ nhân sự, cộng với bối cảnh thị trường chứng khoán có triển vọng tích cực nhờ kinh tế tăng trưởng, các yếu tố vĩ mô ổn định, chúng tôi kỳ vọng thị giá cổ phiếu APG sẽ vận động theo chiều hướng có lợi cho cổ đông, hỗ trợ tốt cho đợt phát hành”, ông Hà thông tin.

Tin bài liên quan