Giao dịch chứng khoán tuần mới: ASM khả năng sẽ điều chỉnh, HSG có thể sẽ di chuyển lên ngưỡng 17.000 đồng

Giao dịch chứng khoán tuần mới: ASM khả năng sẽ điều chỉnh, HSG có thể sẽ di chuyển lên ngưỡng 17.000 đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tuần qua chịu áp lực rung lắc ở vùng kháng cự 900 điểm, nhưng cuối tuần đã vượt lên trên ngưỡng này.

Chỉ số nhè nhẹ tăng

Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng nhè nhẹ trong cả 5 phiên tuần qua, tổng cộng VN-Index tăng 1,35%, gần như lấy lại hết điểm số đã mất trong tuần trước đó.

Thông tin tích cực đối với vĩ mô trong nước là việc Goldman Sachs lần đầu công bố báo cáo vĩ mô Việt Nam, trong đó dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 8,1%, mức cao nhất kể từ năm 1997.

Ngoài ra, yếu tố hỗ trợ các thị trường toàn cầu được công bố ngày 17/9 theo giờ Việt Nam là tất cả 17 quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, họ kỳ vọng giữ lãi suất gần mức 0% cho đến ít nhất là năm 2021. Đáng chú ý, 13 người trong số đó dự báo lãi suất sẽ giữ nguyên cho đến năm 2023.

Tuy vậy, VN-Index vẫn chịu áp lực rung lắc ở vùng kháng cự 900 điểm. Thanh khoản trung bình tuần qua là 5.304 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với tuần trước đó, nhưng thấp hơn so với giai đoạn chỉ số có mức điểm tương đương hồi tháng 6.

15/18 nhóm ngành tăng giá

Thị trường giữ được mức độ tích cực trong các nhóm ngành khi có 15/18 nhóm ngành tăng giá, trong đó, mức tăng tốt nhất đến từ nhóm công nghệ (tăng 3,27%) với mã FPT kiểm định vùng đỉnh lịch sử.

Các nhóm ngành khác tăng giá nhẹ. Đáng chú ý, nhóm bất động sản tăng 1,11% có mức đóng góp trong cơ cấu thanh khoản đạt 20%, giúp giữ nhịp cho thị trường chung.

Phân loại các nhóm theo vốn hóa, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi giá và thanh khoản cùng tăng, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá nhưng thanh khoản giảm.

Cổ phiếu đáng chú ý trong tuần qua là ASM tăng giá 24,59%, nhà đầu tư kỳ vọng mảng năng lượng mặt trời (đóng góp 30% lãi gộp trong 6 tháng đầu năm, với biên lãi gộp 76,8%) sẽ tiếp tục giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, trong khi doanh thu của mảng truyền thống là xuất khẩu cá và thức ăn giảm.

Trên phương diện kỹ thuật, ASM tăng giá mạnh sau khi tạo mẫu hình 2 đáy đảo chiều. Hiện tại, đà tăng có thể gặp khó khăn ở vùng trung bình động 200 ngày (MA200), nhiều khả năng sẽ sớm bước vào đợt điều chỉnh ngắn hạn.

Với cổ phiếu HSG, mức tăng giá là 13,3% sau giai đoạn tích lũy 1 tháng trước đó. Trên khung đồ thị tuần, HSG đã bứt phá khỏi ngưỡng 12.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 14/9 với thanh khoản tăng mạnh, đồng thuận với chỉ báo kỹ thuật về giá.

Dựa trên ngưỡng kháng cự gần nhất, HSG có thể sẽ di chuyển lên ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu.

HSG đạt lợi nhuận khả quan trong quý III niên độ tài chính 2019/2020 (1/4 - 30/6/2020), nhưng khả năng tăng trưởng trong tương lai có thể bị ảnh hưởng bởi Công ty đã rút khỏi “siêu” dự án thép Cà Ná.

Khối ngoại giảm mức độ bán ròng

Khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.133 tỷ đồng trên HOSE trong tuần qua, nhưng mức độ bán ròng trong các phiên giảm dần. Các mã bán ròng mạnh nhất là VHM (392 tỷ đồng), HPG (158 tỷ đồng), VNM (150 tỷ đồng).

Thông tin đáng chú ý với HPG là Employees Provident Fund Board (KWSP), tổ chức đầu tư thuộc Chính phủ Malaysia bán mạnh cổ phiếu này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước hấp thụ tốt lượng cung HPG từ khối ngoại, do có thông tin hỗ trợ như tiêu thụ thép tháng 8 đạt 500.000 tấn, bao gồm trên 320.000 tấn thép thành phẩm và 170.000 tấn phôi; sản lượng thép thành phẩm tháng 8 tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, HPG công bố doanh thu quý II/2020 tăng 35%, lợi nhuận sau thuế tăng 34% so với cùng kỳ.

Trên phương diện kỹ thuật, cổ phiếu HPG có phiên giao dịch tốt ngày 17/9 về cả giá và khối lượng, dư địa tăng vẫn còn.

Nhưng trên khung đồ thị tuần, các chỉ số kỹ thuật chưa cho thấy dấu hiệu bứt phá. Kể từ đầu năm đến nay, HPG nằm trong nhóm có mức sinh lợi tốt (tăng 31,9%) so với các mã khác nằm thuộc VN30.

Dự báo tuần mới: Dao động trong biên độ hẹp

VN-Index tuần qua tăng 1,35%, đóng cửa ở mức gần 901 điểm, nhưng các chỉ báo tương quan chưa cho tín hiệu cụ thể về xu hướng sắp tới; chỉ báo stochasstic chuyển sang trạng thái đi ngang, MACD hội tụ trở lại và cũng có diễn biến đi ngang, nghiêng về khả năng trung tính.

Dòng cổ phiếu dẫn dắt chính cho thị trường cơ bản chưa xuất hiện một cách rõ ràng, trong khi đó, thanh khoản thị trường tăng nhẹ nhưng chưa cho thấy sự bứt phá.

Mặt khác, tuần qua chứng kiến không ít cổ phiếu thiếu vắng thông tin hỗ trợ từ hoạt động kinh doanh nhưng vẫn tăng giá và nhiều cổ phiếu tăng giá đơn thuần về mặt kỹ thuật sau giai đoạn tích lũy.

Điều này chứng tỏ dòng tiền đang có sự xoay chuyển dần về phía rủi ro hơn. Giao dịch sôi động của các nhóm cổ phiếu này thường kết thúc nhanh và tạo ra rủi ro cho nhóm nhà đầu tư “vào sau”.

Dự báo, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp (+/- 2%) trong tuần giao dịch mới (21 - 25/9).

Tin bài liên quan