Mặc dù thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở nhóm dệt may, xuất khẩu, cùng những mã đầu tư công, nhưng áp lực bán đã trở lại trong phiên chiều, khiến VN-Index đảo chiều giảm. Thậm chí, có những cổ phiếu tài chính, bất động sản còn chịu áp lực bán tháo và giảm sàn, đã đẩy chỉ số chung về sát mốc 1.200 điểm trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên.
Xét về kỹ thuật, chỉ số VN-Index kết phiên hình thành nến Spinnung top, thể hiện sự lưỡng lự của thị trường chung. Đồng thời, chỉ báo ADX vẫn đang ở vùng cao nhưng việc DI- suy giảm và MACD histogam đã bắt đầu tạo phân kỳ dương nên có thể kỳ vọng đà giảm của thị trường sẽ sớm chững lại.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 9/8, sắc xanh trở lại lan rộng trên bảng điện tử giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục. Mặc dù dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát bởi tâm lý thận trọng bao phủ trên diện rộng khiến thanh khoản khá thấp, nhưng sự đồng thuận của nhóm bluechip đã giúp chỉ số chung khởi sắc.
Chỉ số VN-Index được kéo lên sát mốc 1.220 điểm và dần hạ độ cao khi các trụ đỡ thu hẹp biên độ tăng. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số chung đang đang tăng khoảng hơn 7 điểm và giao dịch quanh vùng giá 1.215 điểm.
Điểm tựa của thị trường thuộc về bộ 3 gồm bank – chứng – thép khi sắc xanh bao phủ trên diện rộng đã giúp các nhóm ngành này trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường, đặc biệt là nhóm chứng khoán.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi TCH và HHS sau phiên lao dốc hôm qua bởi những tin đồn cũng đã lấy lại sắc xanh dù mức tăng chỉ khoảng trên dưới 0,5%. Trong đó, TCH vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất thị trường khi có tới 15,8 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp khoảng 2,5 lần cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là TPB đạt 6,8 triệu đơn vị.
Trong khi lực cầu vẫn tham gia khá yếu, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến các cổ phiếu không giữ được độ cao, thậm chí nhiều mã đã đảo chiều điều chỉnh giảm, khiến HNX-Index thu hẹp biên độ tăng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 238 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index tăng 6,3 điểm (+0,52%), lên 1.214,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 236,1 triệu đơn vị, giá trị 5.234,1 tỷ đồng, giảm 34,42% về khối lượng và hơn 32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,43triệu đơn vị, giá trị 708,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn là động lực chính của thị trường khi chốt phiên tăng hơn 8 điểm với 19 mã tăng và 7 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu lớn ngân hàng là CTG tăng tốt nhất với 3%, lên vùng giá cao nhất trong phiên 31.100 đồng/CP, là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất đạt hơn 1,2 điểm cho chỉ số chung. Các cổ phiếu còn lại trong danh mục này chỉ biến động tăng giảm trên dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi TCH và HHS sau nửa đầu phiên nỗ lực bật hồi nhẹ, đã nhanh chóng quay đầu do áp lực bán tăng mạnh khiến có thời điểm lùi về gần mức giá sàn. Chốt phiên, TCH giảm 3% xuống mức 16.100 đồng/CP với thanh khoản vượt trội đạt 24,2 triệu đơn vị; còn HHS giảm 4,2% xuống 8.250 đồng/CP và khớp 5,41 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, trụ cột ngân hàng và chứng khoán cũng không giữ được phong độ. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng, các cổ phiếu EIB, SSB, VPB đứng giá tham chiếu, còn lại chỉ tăng trên dưới 1%, ngoại trừ duy nhất điểm sáng CTG.
Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán ngoài FTS vẫn tăng tốt hơn 4%, còn lại cũng đều thu hẹp biên độ tăng. Trong đó, VIX chỉ tăng nhẹ 0,5% với khối lượng giao dịch sôi động nhất ngành, đạt 6,84 triệu đơn vị, SSI và VND cùng tăng hơn 1,5% và đều khớp lệnh 3,7 triệu đơn vị…
Các cổ phiếu thép cũng may mắn còn giữ được sắc xanh với HPG chỉ tăng 0,6%, HSG tăng 0,5%, còn NKG rung lắc và chốt phiên nhích nhẹ 0,2%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến thị trường trở nên phân hóa và HNX-Index lùi về vạch xuất phát.
Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index đứng tại mốc tham chiếu 226,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,4 triệu đơn vị, giá trị 406 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,88 triệu đơn vị, giá trị 88,16 tỷ đồng.
Thanh khoản giảm mạnh toàn thị trường khiến sàn HNX chỉ còn 4 mã đạt khối lượng hơn 1 triệu đơn vị, với điểm sáng tập trung ở các cổ phiếu chứng khoán.
Cụ thể, SHS sôi động nhất khi có hơn 6,42 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,4% lên mức 14.800 đồng/CP; MBS tăng 2,8% lên mức 29.000 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SHS với 2,23 triệu đơn vị; VFS tăng 1,6% lên mức 12.800 đồng/CP và khớp 1,27 triệu đơn vị. Các mã chứng khoán khác như BVS tăng 2,3%, APS, EVS đứng giá tham chiếu.
Ngoài bộ 3 chứng khoán trên, trong top cổ phiếu giao dịch sôi động có CEO đạt 1,73 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên đứng giá tham chiếu 13.900 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường chung thu hẹp biên độ tăng đáng kể về cuối phiên khi nhiều mã không giữ được giá.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,28%), lên 92,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,81 triệu đơn vị, giá trị 178,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,5 triệu đơn vị, giá trị 44,55 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu BCR với giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 4,92 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,8% lên mức 5.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, cổ phiếu nhỏ POM cũng sớm kéo trần thành công sau thông tin hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp. Hiện POM đứng tại mức giá 2.700 đồng/CP với thanh khoản đạt 0,8 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị.