Thị trường vừa trải qua những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 sau kỳ nghỉ lễ dài ngày chưa có nhiều biến động, khi chỉ số VN-Index vẫn giữ trạng thái dao động trong khoảng 1.250 – 1.300 điểm nhằm tìm kiếm vùng cân bằng và tích lũy cho xu hướng mới. Theo giới phân tích, thị trường có thể đang trong quá trình đánh giá và cơ cấu lại danh mục, chuẩn bị cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/9, chỉ số VN-Index hình thành mẫu hình nến "Piercing", cho thấy những tín hiệu đảo chiều đầu tiên và nỗ lực chiếm ưu thế trở lại của phe mua. Các chỉ báo RSI và MACD hướng lên từ vùng thấp và VN Index bật lên khi chạm đường biên dưới dải Bollinger band giúp củng cố cho nhịp hồi phục của thị trường.
Tuy nhiên, diễn biến mua vẫn còn thận trọng và thanh khoản đang là điểm trừ của giai đoạn hiện tại, cho thấy dòng tiền chưa quyết liệt để tham gia trở lại thị trường, tạo tiền đề cho chỉ số vượt đỉnh ngắn hạn. Theo Chứng khoán Kafi dự báo, VN-Index sẽ xuất hiện các nhịp giằng co giữa các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong thời gian tới.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 9/9, áp lực bán bán trên diện rộng nhanh chóng trở lại thị trường sau phiên hồi phục cuối tuần trước, đã khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa.
Cũng như những phiên gần đây, lực bán không quá lớn khiến các cổ phiếu trên sàn không giảm quá sâu và thị trường chưa phát tín hiệu tiêu cực. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index giảm hơn 5 điểm và biến động quanh vùng giá 1.265 điểm.
Đáng chú ý, trong khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đang điều chỉnh giảm cùng thị trường thì nhóm cổ phiếu thép lại ngược dòng đầy ấn tượng ngay khi mở cửa. Cùng lực cầu hấp thụ mạnh, các cổ phiếu thép đã đua nhau khởi sắc.
Cụ thể, HPG hiện đang tăng 2% với thanh khoản vượt trội, đạt gần 20 triệu đơn vị; tiếp theo về thanh khoản là HSG khớp gần 9 triệu đơn vị và hiện đang tăng 3,5%. Trong khi đó, NKG tăng 3,1%, TLH tăng 2,7%, SMC tăng 1,5%... Hay trên sàn HNX, cổ phiếu VGS hiện đang tăng 2,6%, TIS tăng 7,9%, TVN tăng 4,4%...
Sóng nhỏ lẻ đến từ nhóm cổ phiếu thép và cũng không quá lớn để lan sang các nhóm ngành khác, khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái giảm điểm với sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử.
Chốt phiên, sàn HOSE có 104 mã tăng và 271 mã giảm, VN-Index giảm 6,24 điểm (-0,49%) xuống 1.267,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 229,5 triệu đơn vị, giá trị 5.389,4 tỷ đồng, giảm 15,38% về khối lượng và 13,63% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 6/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,8 triệu đơn vị, giá trị 491,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tạm dừng phiên sáng giảm hơn 8 điểm, với 25 mã giảm và chỉ còn 3 mã tăng. Trong đó, HPG vẫn là điểm sáng khi chốt phiên tăng 1,6% và thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 24 triệu đơn vị; tiếp theo là cặp đôi GAS và PLX tăng nhẹ.
Ngược lại, HDB giảm sâu nhất trong rổ này với gần 2,1%, nhưng VIC là mã tác động mạnh nhất tới thị trường khi lấy đi 0,7 điểm của chỉ số chung và chốt phiên giảm 1,7%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mã KPF vẫn giữ được sắc tím và chốt phiên đứng tại mức giá 2.460 đồng/CP, với khối lượng dư mua trần gần 0,2 triệu đơn vị. Một mã nóng khác là QCG, dù không giữ được sắc tím của phiên cuối tuần trước, nhưng mã này vẫn tăng tốt khi chốt phiên đứng tại mức giá 6.810 đồng/CP, tăng 3,8% với khối lượng khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn là các cổ phiếu nhóm thép. Ngoài HPG khởi sắc và giao dịch sôi động, cổ phiếu HSG chốt phiên tăng 2,5% và thanh khoản chỉ thua HPG, với gần 11,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các mã thép khác như NKG tăng 2,6% và khớp gần 3 triệu đơn vị, TLH tăng 1,9%, SMC tăng nhẹ 0,5%.
Trong khi đó, các nhóm trụ cột ngân hàng, chứng khoán, hay nhóm rộng nhất thị trường là bất động sản vẫn trong xu hướng điều chỉnh giảm của thị trường chung.
Trên sàn HNX, sau những nhịp giằng co và hồi nhẹ đầu phiên, HNX-Index cũng dần lùi xa mốc tham chiếu khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng thêm sức ép.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 1,18 điểm (-0,5%) xuống 233,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23 triệu đơn vị, giá trị hơn 425 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,74 triệu đơn vị, giá trị hơn 52 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, nhóm HNX30 giảm sâu hơn khi chốt phiên giảm hơn 4 điểm, với 20 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng. Trong đó, LHC, PVC, PVS, VCS may mắn có được sắc xanh với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%; còn PVG giảm mạnh nhất 2,8%, SHS giảm 1,9%, HUT giảm 1,8%...
Toàn thị trường chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, gồm SHS khớp 8,66 triệu đơn vị, CEO khớp 2,64 triệu đơn vị và PVS khớp 2,23 triệu đơn vị.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu thép trên HNX là điểm sáng thị trường. Trong đó, VGS chốt phiên tăng 2% lên mức 35.9020 đồng/Cp và thanh khoản đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường, đạt hơn nửa triệu đơn vị.
Một điểm sáng khác là cổ phiếu NSH, chốt phiên sáng đã tăng 10% lên mức giá trần 5.500 đồng/CP, thanh khoản đạt gần nửa triệu đơn vị và dư mua trần 16.500 đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng quay đầu điều chỉnh giảm sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,35%) xuống 93,04 điểm với 91 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,36 triệu đơn vị, giá trị gần 158 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 7,28 tỷ đồng.
Cặp đôi dầu khí BSR và OIL có thanh khoản sôi động nhất. Trong đó, BSR khớp gần 2,5 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 1,7% lên mức 23.300 đồng/CP; còn OIL tăng 0,7% lên mức 14.000 đồng/CP và khớp 0,73 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, 2 mã thép trên UPCoM cũng tỏa sáng, với TIS chốt phiên tăng 7,9% lên mức 6.800 đồng/CP và TVN chốt phiên tăng 3,3% lên 9.300 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua 2 cổ phiếu dầu khí ở trên.