Giao dịch chứng khoán sáng 8/2: Lực cầu vẫn lớn ngày sát Tết

Giao dịch chứng khoán sáng 8/2: Lực cầu vẫn lớn ngày sát Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 4 phiên phục hồi, thị trường hôm nay được dự báo có thể điều chỉnh kỹ thuật. Điều đó đã xảy ra ngay đầu phiên, nhưng tin về Covid lại một lần nữa được coi là nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh hơn dự kiến.

Sau tuần giảm khá mạnh cuối tháng 1 bởi áp lực bán chốt lời gia tăng sau chuỗi ngày dài tăng nóng cùng những thông tin tiêu cực từ việc ghi nhận những ca nhiễm covid-19 mới ngoài cộng đồng, thị trường đã hồi phục và quan trọng hơn là tâm lý nhà đầu tư đã tăng mạnh trở lại.

Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng tác động khá tích cực tới tâm lý thị trường khi trạng thái mua ròng được duy trì cao và ổn định qua từng phiên giao dịch trong tuần đầu tiên của tháng 2. Khối ngoại đã mua ròng 5 phiên liên tiếp với tổng giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ đồng với tâm điểm tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip và cổ phiếu lớn.

Với diễn biến trên, nhiều nhận định cho rằng, VN-Index khả năng sẽ tiến gần đến kháng cự 1.140 điểm để kiểm tra lại cung cầu tại vùng giá này, để có sức bật tiến về đỉnh cũ tại 1.200 điểm. Trong quá trình đi lên này có thể đan cài những phiên giảm điểm kỹ thuật tạo ra sự rung lắc nhất định.

Tuy nhiên đây chỉ là nhận định có tính tham khảo, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lâu năm đã buộc phải hạn chế sử dụng phân tích kỹ thuật để giao dịch. Lý do được đưa ra là 'nghi vấn' các BBs (nhà đầu tư lớn) cố tình trading ép chỉ số lệch khỏi đường ray kỹ thuật, nhằm hạn chế hoặc thậm chí là khiến các nhà đầu tư sử dụng robot giao dịch bị lệch nhịp, sai điểm vào, ra - bán, mua,...

Các thông tin được ưu tiên chính là các thông tin cơ bản, thông tin vĩ mô hoặc kết quả kinh doanh doanh nghiệp, và cả thông tin về dịch bệnh,... Về mặt kỹ thuật thì sự ưu tiên dành cho các yếu tố về dòng tiền mạnh hay yếu, cũng như các xu hướng lớn.

Sáng nay, thông tin về chùm 24 ca nghi nhiễm tại TP. HCM là một yếu tố được quan tâm, thậm chí được coi là tác nhân khiến thị trường có thời điểm giảm sâu. Tuy nhiên, dòng tiền trực chờ mới là yếu tố đáng chú ý nhất. Có lẽ, đợt giảm mạnh kỷ lục cách đây 2 tuần đã tạo ra một kinh nghiệm mới, giảm mạnh là cơ hội vào hàng giá rẻ,...

Quay trở lại với diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 8/2, dù các nhà đầu tư đều biết rằng, mua hay bán phiên hôm nay thì tiền và chứng khoán phải ra Tết mới về tài khoản, nhưng nhịp tăng giá 4 phiên liên tục và đáng chú ý là phiên tăng mạnh cuối tuần trước khiến giao dịch vẫn sôi động từ sớm.

Tuy nhiên, những phút le lói xanh sau khi mở cửa đã nhanh chóng qua đi để nhường lại sắc đỏ ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục bởi áp lực bán gia tăng.

Nhóm cổ phiếu bluechip đóng vai trò trụ đỡ trong những phiên gần đây, đã có nhịp điều chỉnh khiến chỉ số chung nhanh chóng giảm điểm. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30, số mã giảm đã gấp hơn 3 lần số mã tăng, khiến chỉ số VN-Index ngày càng nới rộng đà giảm và lùi về vùng giá 1.115 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ, sau phiên nổi sóng cuối tuần trước, cổ phiếu FLC cũng hạ nhiệt và lùi về sát mốc tham chiếu với thanh khoản sụt giảm, chỉ hơn 5,6 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, ROS đảo chiều giảm sâu về sát mức giá sàn.

Trong đợt sóng mới này, cũng như các lần trước, cổ phiếu thị giá nhỏ chưa nhận được sự ưu ái của dòng tiền. Hiện, các cổ phiếu vốn hóa lớn, hầu hết công bố lợi nhuận tích cực trong năm 2020 mới là nhóm được quan tâm, đồng thời một số nhóm dự báo tiềm năng khi chưa tăng mạnh sóng trước và khả năng phục hồi tốt khi dịch lắng xuống là bất động sản và dầu khí mới là tâm điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 70 mã tăng và 378 mã giảm, VN-Index giảm 35,64 điểm (-3,16%), xuống 1.091,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 501,72 triệu đơn vị, giá trị 11.645,93 tỷ đồng, tăng 73,77% về khối lượng và 79,62% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 5/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,52 triệu đơn vị, giá trị 584,18 tỷ đồng.

Màn đảo chiều trong thời gian ngắn cuối phiên khiến nhóm VN30 bớt tiêu cực khi nhiều mã như KDH, VJC, VRE, TCH đã thoát khỏi mức giá sàn, đáng kể có 2 mã là REE và SBT hồi nhẹ với mức tăng chỉ trên 0,5%.

Các mã lớn đóng vai trò là gánh nặng chính lên thị trường như VHM giảm 3,3% xuống 96.000 đồng/CP, VIC giảm 4,2% xuống 103.000 đồng/CP, VNM giảm 3% xuống 106.300 đồng/CP, VCB giảm 4,3% xuống 95.700 đồng/Cp, BID giảm 3,6% xuống 40.300 đồng/CP, CTG giảm 3,9% xuống 34.400 đồng/CP, GAS, HPG cũng giảm hơn 3,2%...

Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, ảnh hưởng chung thị trường cũng khiến hầu hết các mã bị ảnh hưởng sau nhịp tăng khá mạnh trong nửa đầu phiên sáng đã đảo chiều giảm nhưng biên độ khá hẹp như GAS giảm 1,5% xuống 80.000 đồng/CP, PLX chỉ giảm 0,4% xuống 52.000 đồng/CP, PVD hồi phục trở lại khi tăng 1,75% lên 20.300 đồng/CP...

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng. Trong đó, ROS về nằm sàn và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 24 triệu đơn vị. Đặc biệt, trong thời gian cuối phiên, lực cầu tăng mạnh đã vét sạch lượng dư bán sàn khá lớn.

Bên cạnh đó, FLC cũng thu hẹp biên độ đáng kể sau khi bị đẩy về sát mức giá sàn. Chốt phiên, FLC giảm 2,5% xuống 6.360 đồng/CP và khớp 19,94 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù trong phần lớn thời gian thị trường đi ngang trên mốc tham chiếu nhưng nhận tín hiệu xấu từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng cắm đầu đi xuống và đã thu hẹp biên độ đáng kể trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 1,25 điểm (-0,56%), xuống 222,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,15 triệu đơn vị, giá trị 1.376 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 26,55 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng chỉ có 5 mã xanh nhạt, còn lại hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ, đáng kể là SHB giảm 5,6% xuống 15.200 đồng/CP, SHS giảm 2,8% xuống 24.600 đồng/CP, VCS giảm 1,3% xuống 78.700 đồng/CP, NVB, MBS, BVS đều giảm hơn 1%...

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch kém tích cực như THD giảm 1,5% xuống 166.000 đồng/CP, IDC giảm 3,6% xuống 39.700 đồng/CP…

Ở top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp 18,69 triệu đơn vị, PVS khớp 11,49 triệu đơn vị, SHS khớp 6,89 triệu đơn vị, KLF khớp 5,29 triệu đơn vị, ART khớp 4,15 triệu đơn vị. Tạm chốt phiên sáng, trong khi SHB và SHS mất điểm thì PVS, KLF và ART đều đứng giá tham chiếu.

Trên UPCOM, áp lực bán cũng gia tăng mạnh khiến UPCoM-Index giảm sâu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,13 điểm (-1,52%), xuống 72,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,23 triệu đơn vị, giá trị 489 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ đạt hơn nửa tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn dầu khí BSR rung lắc và chốt phiên tại mốc tham chiếu 11.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 10,18 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã lớn khác mất giá như OIL giảm 1,8% xuống 10.700 đồng/CP, VGT giảm 8,2% xuống 16.700 đồng/CP, VGI giảm 1% xuống 37.900 đồng/CP, ACV giảm 5,6% xuống 70.500 đồng/CP, QNS giảm 1,6% xuống 37.500 đồng/CP…

Tin bài liên quan