Giao dịch chứng khoán sáng 5/4: Dòng bank dẫn lối thị trường

Giao dịch chứng khoán sáng 5/4: Dòng bank dẫn lối thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chảy mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank, đã giúp thị trường duy trì đà tăng điểm khá tốt cùng thanh khoản sôi động trong phiên sáng đầu tuần ngày 5/4.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khởi sắc khi chỉ số VN-Index duy trì đà tăng điểm trong suốt cả 5 phiên và phá vỡ mốc cao nhất tại 1.204,3 điểm đạt được vào tháng 4/2018, để thiết lập đỉnh lịch sử mới 1.224,4 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/4.

Theo đánh giá của giới phân tích, điểm tích cực là dòng tiền có khuynh hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là nhóm cổ phiếu Ngân hàng cho nên xu hướng tăng có thể duy trì bền vững hơn và dư địa mở rộng đà tăng là vẫn còn nhiều trong ngắn hạn với mức kháng cự gần nhất là 1.284 điểm.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng, cuối tuần vừa qua Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01; cơ cấu thời hạn trả nợ đến hết năm 2021 và chính thức có lộ trình trích lập dự phòng trong 3 năm. Điều này sẽ tiếp tục là cú hích cho dòng ngân hàng trong tuần tới và sẽ tiếp tục là ngành dẫn dắt chủ đạo cho thị trường.

Bên cạnh đó, theo các thông tin thị trường thì nhiều ngân hàng quý I năm nay lợi nhuận rất cao, cho tới khi có các thông tin chính thức được công bố, thì vẫn là điểm hút tiền giai đoạn này.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 5/4, dòng tiền hưng phấn tiếp tục nhập cuộc sôi động với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, giúp thị trường duy trì đà tăng mạnh, chỉ số VN-Index vượt mốc 1.240 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, sang đợt khớp lệnh liên tục, nhiều mã trong nhóm VN30 như GAS, PLX, BVH, FPT rung lắc và điều chỉnh, đã khiến thị trường thu hẹp biên độ.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng cho thị trường khi hầu hết các mã như VCB, TCB, BID, CTG, MBB, HDB, STB, VPB, VIB, ACB đồng loạt tăng, đáng kể là EIB nhanh chóng được kéo tăng trần và sau hơn 90 phút giao dịch sắc tím khá vững khi dư mua trần có tới gần 1,2 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, các mã thuộc dòng bank được niêm yết trên sàn HOSE mới hơn như OCB và SSB đang có dấu hiệu điều chỉnh.

Bên cạnh cổ phiếu nhà bank, nhóm cổ phiếu Vingroup cũng tiếp lửa cho thị trường khi các mã VIC, VHM và VRE đều tăng hơn 1% và có thời điểm VHM tăng hơn 2%, VRE tăng hơn 4%.

Mặc dù áp lực bán gia tăng khiến VN-Index có thời điểm bị đẩy lùi về gần mốc tham chiếu nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm giao dịch và trụ đỡ chính, giúp thị trường nới rộng biên độ tăng. Tuy nhiên, thanh khoản tăng mạnh lại khiến nhà đầu tư lo ngại hiện tượng nghẽn lệnh sẽ sớm xẩy ra trong phiên giao dịch chiều.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE phân hóa với 220 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index tăng 12,09 điểm (+0,99%), lên 1.236,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 619,86 triệu đơn vị, giá trị 14.415,46 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,63% về khối lượng và giảm 2,19% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần ngày 2/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,97 triệu đơn vị, giá trị gần 340 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng bank là điểm nhấn của thị trường với các mã tăng mạnh như VCB tăng 4,8% lên mức cao nhất ngày 102.500 đồng/CP, EIB giữ nguyên sắc tím, VIB tăng 4,5% lên 53.000 đồng/CP, STB tăng 2,9% lên 23.250 đồng/CP, MBB tăng 2,2% lên 30.250 đồng/CP, BID và CTG cùng tăng 1,7% lần lượt đứng tại mức 45.750 đồng/CP và 42.000 đồng/CP, các mã khác như ACB, HDB, VPB, TCB, TPB đều nhích nhẹ.

Về thanh khoản, đây cũng là nhóm hấp thụ mạnh dòng tiền với STB vẫn dẫn đầu khối lượng khớp lệnh, đạt 44,82 triệu đơn vị, ngoài ra MBB khớp 23,87 triệu đơn vị, CTG, LPB và TCB cũng có khối lượng khớp hơn 10 - 15 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng khởi sắc với các mã lớn như VHM tăng 1,7% lên 102.400 đồng/CP, VIC thu hẹp biên độ khi tăng gần 1%, VRE tăng 1,9% lên 34.500 đồng/CP, đến các mã khác như PDR tăng 4% lên 67.200 đồng/CP, NVL tăng 3,2% lên 84.600 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã như HQC, AMD, TNI, QBS, DLG, TGG… đều chốt phiên tại mức giá trần, trong đó HQC khớp 25,38 triệu đơn vị, chỉ mua STB và còn dư mua trần gần 1,8 triệu đơn vị.

Cặp đôi cổ phiếu nhà FLC cũng đã khởi sắc, dù FLC có thời điểm điều chỉnh nhẹ. Tạm chốt phiên sáng, FLC tăng 2,5% lên mức 12.500 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 3 thị trường, đạt hơn 24 triệu đơn vị, còn ROS tăng 4% lên 4.900 đồng/CP và khớp 22,41 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán chốt lời cũng khiến HNX-Index rung lắc và liên tục đổi sắc, tuy nhiên một số mã lớn đóng vai trò tích cực, hỗ trợ tốt giúp chỉ số này may mắn hồi nhẹ về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 86 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,57%), lên 294,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,48 triệu đơn vị, giá trị 1.645,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,69 triệu đơn vị, giá trị 39,45 tỷ đồng.

Trong khi SHB quay đầu giảm 2,6% xuống 26.300 đồng/Cp thì người anh em NVB vẫn tăng mạnh 8,4%, lên sát mức giá trần 18.100 đồng/CP, còn BAB vẫn tăng nhẹ 0,3% lên 29.100 đồng/Cp.

Đáng chú ý, trong nhóm HNX30, cổ phiếu VC3 tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá 20.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 52.300 đơn vị, dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã lớn khác như THD, IDC, SHS tăng nhẹ trên dưới 1%.

Về thanh khoản, bộ đôi SHS và SHB vẫn dẫn đầu trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 9,15 triệu đơn vị và hơn 7,1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến UPCoM-Index thiếu chút nữa “sẩy chân”.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,23%), lên 82,46 điểm với 114 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 49,35 triệu đơn vị, giá trị 722,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 29,97 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục điều chỉnh nhẹ khi giảm 1,7% xuống 17.600 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, đạt 9,9 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng ABB và BVB. Trong đó, ABB tăng 7,5% lên 17.200 đồng/CP và khớp 4,82 triệu đơn vị và BVB tăng 2,1% lên 14.600 đồng/CP và khớp 2,8 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan