Giao dịch chứng khoán sáng 4/9: Dòng tiền chảy mạnh, chặn đà trượt dốc của VN-Index

Giao dịch chứng khoán sáng 4/9: Dòng tiền chảy mạnh, chặn đà trượt dốc của VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán dâng cao khiến hàng trăm mã giảm điểm và VN-Index nhanh chóng thủng mốc 900 điểm. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền chảy mạnh đã chặn được đà lao dốc của VN-Index.

Bất chấp những nhận định thị trường đang bước vào vùng kháng cự mạnh 890-900 điểm và nhiều nhóm cổ phiếu đã bước vào trạng thái quá mua, các chỉ số vẫn duy trì đà tăng khá tốt từ cuối tháng 8. Trong đó, VN-Index liên tục có những phiên tăng khá mạnh, hơn 10 điểm/phiên trong 2 phiên đầu tiên của tháng 9 cùng thanh khoản tăng vọt.

Đặc biệt, trong phiên hôm qua (3/9), dòng tiền sôi động cùng sự dẫn dắt khá tốt của các trụ đỡ từ nhóm Vingroup và dòng bank, đã giúp thị trường tăng vọt, chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc 900 điểm.

Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng có những tín hiệu khởi sắc khi trở lại trạng thái mua ròng mạnh sau 7 phiên bán ròng liên tiếp. Cụ thể, với tâm điểm mua vào CTG, khối ngoại đã mua ròng tới gần 380 tỷ đồng trong phiên 3/9.

Với diễn biến tích cực của thị trường trong những phiên gần đây, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra quan điểm khá tích cực. Theo MBS, thị trường đã bước vào sóng tăng mới nhờ sự hỗ trợ của thanh khoản và sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn bên cạnh các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi.

Về kỹ thuật, VN-Index đã có 2 phiên bứt phá bằng trụ và phiên 3/9 cho thấy tín hiệu này càng trở nên rõ nét hơn. Các tín hiệu kỹ thuật cùng đà tăng của chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường trong nước trong các phiên sắp tới.

Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán thế giới bị bán tháo trong phiên tối qua đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 4/9, áp lực bán xuất hiện khiến thị trường quay đầu giảm điểm ngay khi mở cửa, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp.

Lực bán ngày càng gia tăng và lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Hầu hết các cổ phiếu bluechip cũng điều chỉnh, gia tăng sức ép khiến VN-Index trở về dưới mốc 900 điểm.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30 chỉ còn VRE và KDH tăng nhẹ trên dưới 1%, còn lại hầu hết đều mất giá.

Trong khi hầu hết các mã lớn bé đều giao dịch dưới mốc tham chiếu khi toàn bảng điện tử có hàng trăm mã giảm điểm, gấp 3-4 lần số mã tăng, thì thị trường vẫn có những điểm sáng.

Điển hình là BCM. Đây là phiên giao dịch thứ 4 của BCM trên “ngôi nhà mới” HOSE và cũng là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp. Hiện BCM đứng tại mức giá trần 41.100 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 0,14 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,35 triệu đơn vị.

Trái lại, HAP xác lập phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp, xuống mức giá 7.060 đồng/CP với khối lượng dư bán sàn hơn 3,72 triệu đơn vị.

Diễn biến thị trường trong phiên sáng nay khá giằng co quanh mốc 900 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán thường trực trên diện rộng khiến chỉ số VN-Index tạm dừng chân dưới ngưỡng kháng cự này.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 96 mã tăng và 294 mã giảm, VN-Index giảm 4,51 điểm (-0,5%), xuống 899,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 211,86 triệu đơn vị, giá trị 3.830,96 tỷ đồng, giảm 8,48% về khối lượng và 15,51% về giá trị so với phiên sáng ngày 3/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,68 triệu đơn vị, giá trị 435,13 tỷ đồng.

Một số mã bluechip đã đảo chiều hồi phục nhưng đà tăng còn khá hạn chế, đó là CTG, SAB, VHM với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%. Bên cạnh đó là cặp đôi KDH và VRE tăng 1% và 1,4%.

Còn lại trong nhóm VN30 có tới 24 mã giảm điểm nhưng hầu hết cũng giảm nhẹ, đáng kể có GAS -1,58% xuống 74.600 đồng/CP, MWG -1,69% xuống 93.200 đồng/CP, TCH -1,9% xuống 20.550 đồng/CP, VJC -1,49% xuống 106.000 đồng/CP.

Cổ phiếu HPG sau 3 phiên tăng nhẹ đã diễn biến giằng co và tạm dừng phiên sáng nay tại mốc tham chiếu 25.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 8,88 triệu đơn vị.

Lực cầu gia tăng cũng giúp nhiều mã vừa và nhỏ hồi phục. Trong đó, ITA +0,23% lên 4.400 đồng/CP và khớp hơn 6 triệu đơn vị; các mã TTF, HAG, OGC, KBC… cũng khởi sắc.

Đáng kể, SJF có thời điểm bị đẩy lùi về mốc tham chiếu nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu bảo toàn phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Chốt phiên, SJF đứng tại mức giá 2.370 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị cùng dư mua trần hơn 0,36 triệu đơn vị.

Cặp đôi BCM và HAP vẫn diễn biến trái chiều khi BCM có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp, còn HAP tiếp tục nằm sàn.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 37 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index giảm 1,39 điểm (-1,22%), xuống 124,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,98 triệu đơn vị, giá trị 360,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip mất điểm đáng kể là ACB -1,4% xuống 20.900 đồng/CP, SHB -1,4% xuống 13.900 đồng/CP, PVS -1,6% xuống 12.500 đồng/CP, PVB, SHS, BVS…

Trong khi đó, VCG dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng đã nhanh chóng hồi phục và khởi sắc khi chốt phiên +3,3% lên 37.200 đồng/CP và khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu ACB dẫn đầu với 3,59 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là PVS khớp 2,85 triệu đơn vị, HUT khớp 2,22 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, đà giảm cũng duy trì trong suốt cả phiên chiều do áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,29%), xuống 58,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,89 triệu đơn vị, giá trị 179,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,93 triệu đơn vị, giá trị 10,6 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu nhỏ PVX và LMH dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,72 triệu đơn vị và 2,92 triệu đơn vị. Chốt phiên, PVX đứng tại mức giá trần, còn LMH đứng tại mốc tham chiếu.

Nhiều mã lớn mất điểm như BSR, VGI, VEA, OIL, ACV… là nguyên nhân chính khiến thị trường điều chỉnh.

Tin bài liên quan