Giao dịch chứng khoán sáng 4/12: May mắn thoát hiểm

Giao dịch chứng khoán sáng 4/12: May mắn thoát hiểm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến thị trường tiếp tục rung lắc, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ khá tích cực của một số cổ phiếu bluechip, VN-Index đã thoát hiểm trong gang tấc.

Mặc dù việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng tại TP.HCM sau 88 ngày bình yên khiến thị trường có chút đi “lệch đường ray”, nhưng sau những lần thử nghiệm trước đó, nhà đầu tư đã nhanh chóng bình tâm trở lại và thị trường chứng khoán gần như “miễn nhiễm” với dịch bệnh.

Từ màn lao dốc mất hơn 21 điểm, thị trường đã nhanh chóng thu hẹp biên độ và kết phiên 30/11 chỉ còn giảm 7 điểm. Sau đó, đà hồi phục cũng nhanh chóng được thiết lập và duy trì khá tốt trong những phiên tiếp theo nhờ dòng tiền nội chảy mạnh cùng xu hướng mua ròng khá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ đột biến bán ròng kỷ lục hơn 1.000 tỷ đồng trong phiên 2/12 chủ yếu đến từ việc bán thỏa thuận khủng cổ phiếu DIG).

Với việc ghi nhận 3 phiên tăng liên tiếp và áp sát mốc 1.020 điểm cùng sự tham gia sôi động của dòng tiền giúp thanh khoản xác lập mức cao nhất từ trước đến nay, MBS đánh giá rằng, thị trường sẽ có sức bật tốt và cơ hội để vượt mốc tâm lý 1.030 điểm cũng có xác suất thành công cao hơn.

MBS cho biết thêm, về kỹ thuật, xu hướng tăng trưởng dài hạn vẫn chưa có gì thay đổi, khi đường giá vẫn nằm trên ngưỡng trung bình 200 ngày. Do vậy cơ hội để thị trường vượt mốc tâm lý 1.030 điểm lại đang rộng mở.

Bước vào phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần ngày 4/12, xu hướng tăng tiếp tục được duy trì dễ dàng nhấc VN-Index qua mốc 1.020 điểm.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng quan sát khiến thị trường giao dịch khá chậm và VN-Index có chút rung lắc nhẹ ở vùng giá mới. Nhưng trạng thái này nhanh chóng qua đi bởi dòng tiền mạnh vẫn tiếp tục được bơm vào thị trường.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, dù trạng thái khá phân hóa với số mã tăng giảm trên bảng điện tử khá cân bằng nhưng với giao dịch khởi sắc ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index dần nới rộng biên độ tăng.

Trong đó, cổ phiếu SAB sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua đã đảo chiều tăng khá mạnh. Hiện SAB đang tăng khoảng 4% lên mức 202.800 đồng/CP.

Được biết, ngày 1/12 vừa qua, Sabeco đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 18/12/2020.

Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS đang tăng 2,2% lên mức 86.400 đồng/CP, PLX tăng 1,6% lên 51.400 đồng/CP, PVD tăng 3% lên 13.650 đồng/CP…

Áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên, SAB cùng một số mã bluechip khác đã làm tốt vai trò hỗ trợ giúp VN-Index thoát hiểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 179 mã tăng và 246 mã giảm, VN-Index tăng 0,82 điểm (+0,08%), lên 1.020,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 336 triệu đơn vị, giá trị 6.378,53 tỷ đồng, cùng tăng hơn 14% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,79 triệu đơn vị, giá trị 344,42 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giao dịch không mấy tích cực khi có tới 19 mã giảm và chỉ còn 8 mã tăng, trong đó nhiều mã lớn đã đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ như VCB, VHM, VIC, VNM, VRE, đã tác động không mấy tích cực, thậm chí có thời điểm đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, SAB vẫn là điểm sáng dù có chút hạ nhiệt khi chốt phiên tăng 3,4% lên mức 201.600 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng đóng vai trò giữ nhiệt cho thị trường như CTG tăng 2,51% lên 34.650 đồng/CP, GAS tăng 1,18% lên 85.500 đồng/CP, MSN tăng 2,76% lên 85.700 đồng/CP.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền. Cổ phiếu STB dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 17 triệu đơn vị, ngoài ra các mã CTG, MBB, TCB cũng có lượng khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị.

Không chỉ lực cầu nội sôi động, dòng bank cũng hút vốn ngoại với các mã MBB và VPB được mua ròng trên dưới 1,5 triệu đơn vị, CTG được khối ngoại mua vào gần 5,15 triệu đơn vị và bán ra 4,81 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu ITA không còn giữ dậy sóng như phiên hôm qua khi chốt phiên sáng nay tại mức giá 5.690 đồng/CP, tăng 3,83% với khối lượng khớp lệnh 16,54 triệu đơn vị.

Điểm nóng trong phiên sáng nay là TDH. Cổ phiếu này bất ngờ giao dịch bùng nổ và tăng mạnh về giá sau những phiên giằng co nhẹ quanh mức giá 8.000 đồng/CP. Tạm chốt phiên sáng, TDH tăng 7% lên mức giá trần 8.290 đồng/CP và khớp 9,54 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu HNG lại có phiên giao dịch khởi sắc khi thiết lập sắc tím với mức tăng 6,8% và chốt phiên sáng nay tại mức giá trần 14.850 đồng/CP và khớp 4,72 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc xanh le lói đầu phiên nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 37 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,45%), xuống 151,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị hơn 393 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,94 triệu đơn vị, giá trị 98,44 tỷ đồng.

Sau khi ACB tạm ngừng giao dịch sau phiên 1/12 để chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE, cặp đôi còn lại của nhà bank là SHB và NVB vẫn diễn biến lình xình. Chốt phiên sáng nay, NVB đứng giá tham chiếu còn SHB giảm nhẹ 0,6% xuống 17.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều bluechip khác cũng cản trở đà hồi phục của thị trường như PVI giảm 1% xuống 31.000 đồng/CP, PHP giảm 2,6% xuống 15.200 đồng/CP, IDC giảm 1,5% xuống 33.200 đồng/CP, VCG và VCS cũng đều giảm nhẹ, còn THD, VIF, NVB đứng giá tham chiếu.

Trong nhóm HNX30 chỉ còn một vài mã xanh nhạt như CEO, DDG, NTP, PVB, PVS, TVC. Trong đó, PVS tăng % lên 15.500 đồng/CP và là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đạt 4,22 triệu đơn vị.

Tương tự, trên UPCoM, sau diễn biến khởi sắc đầu phiên, thị trường đã rung lắc và quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,59 điểm (-0,86%), xuống 68,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,98 triệu đơn vị, giá trị 285,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 351,24 tỷ đồng, trong đó VCP thỏa thuận 4,2 triệu đơn vị, giá trị 254,62 tỷ đồng và HVG thỏa thuận 11 triệu đơn vị, giá trị 58,3 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất gồm PVX khớp hơn 4 triệu đơn vị, BSR khớp 3,76 triệu đơn vị, AAS khớp 2,31 triệu đơn vị, HVG khớp 2,24 triệu đơn vị và G36 khớp 1,12 triệu đơn vị.

Trong đó, tạm chốt phiên sáng nay PVX đứng giá tham chiếu, AAS giảm nhẹ 100 đồng/CP, còn lại các mã chỉ nhích nhẹ 100 đồng/CP.

Tin bài liên quan