Giao dịch chứng khoán sáng 31/8: Lực bán dâng cao, VN-Index vẫn tăng điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 31/8: Lực bán dâng cao, VN-Index vẫn tăng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã lớn bé trên thị trường đảo chiều giảm điểm. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã may mắn giữ được sắc xanh nhờ trụ đỡ SAB khởi sắc.

Thị trường vừa chứng kiến tuần giao dịch khá sôi động bởi tâm lý nhà đầu tư hứng khởi. Tuy nhiên, các chỉ số chưa thể bứt mạnh do dòng tiền ngoại rút ròng khá mạnh với giá trị lên tới 2.770 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 2,8% và kết thúc tuần qua tại mức 878 điểm.

Đặc biệt, trong phiên cuối tuần ngày 28/8, đã có thời điểm thị trường vượt vùng giá 880 điểm, thậm chí chạm mốc 885 điểm, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên bên cạnh đà bán khá mạnh của khối ngoại, đã khiến VN-Index hạ độ cao và lùi về dưới mốc 880 điểm.

Thị trường chỉ còn phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 trước khi bước sang tháng 9 với nhiều kỳ vọng tích cực bởi những chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian dài, tạo lực đỡ vững chắc cho thị trường chứng khoán toàn cầu, diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam đang dần được kiểm soát và những kỳ vọng vào gói cứu trợ kinh tế lần 2 của Chính phủ sẽ hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp đang gặp khó bởi Covid-19…

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, sau một nhịp tăng điểm mạnh từ vùng đáy 780-800 điểm, chỉ số hiện đang tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu đã đi vào trạng thái quá mua. Điều này có thể sẽ khiến thị trường xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại trên, thị trường đã có bước khởi đầu trong phiên cuối cùng của tháng 8 khá tích cực.

Cụ thể, ngay khi mở cửa phiên sáng 31/8, dòng tiền chảy mạnh đã giúp sắc xanh lan rộng từ nhóm bluechip sang các mã vừa và nhỏ trên thị trường, tiếp tục dẫn dắt đà tăng của thị trường.

Chỉ số VN-Index tăng vọt gần 10 điểm chỉ sau gần 30 phút giao dịch và nhanh chóng thu hẹp biên độ trước áp lực bán gia tăng.

Thị trường đã đi ngang trên mốc tham chiếu trong hơn nửa cuối của phiên sáng trong bối cảnh phân hóa khá mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 186 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng 5,29 điểm (+0,6%), lên 884,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 197,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.439 tỷ đồng, giảm 5,44% về khối lượng và 8,33% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 28/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,34 triệu đơn vị, giá trị 240,3 tỷ đồng.

Một số mã lớn giao dịch kém khởi sắc trong nửa cuối phiên sáng như VHM quay về mốc tham chiếu, hay các mã VCB, TCB đảo chiều giảm nhẹ.

Tuy nhiên, nhóm VN30 vẫn là trụ đỡ chính giúp thị trường bảo toàn sắc xanh dù áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khi nhiều mã lớn vẫn duy trì đà tăng điểm như VNM, VIC, GAS, MSN, PLX…, đáng kể là SAB +4,4% lên 190.000 đồng/CP, CTG +3% lên 25.850 đồng/CP, BID +1,2% lên 41.050 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu nóng TTF đã hạ nhiệt khi để mất sắc tím, thậm chí áp lực bán chốt lời gia tăng khiến cổ phiếu này có thời điểm bị đẩy về mốc tham chiếu. Chốt phiên, TTF +4,1% lên 4.300 đồng/CP với thanh khoán dẫn đầu sàn HOSE, đạt gần 18 triệu đơn vị.

Diễn biến phân hóa cũng diễn ra với ROS, ITA, DXG, HQC, GTN, HHS… giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong khi HAG, OGC, SJF, TSC, LDG… khởi sắc.

Đáng chú ý, cổ phiếu TAC, sau 6 phiên tăng trần liên tiếp, việc hàng loạt lãnh đạo đăng ký thoái vốn đã khiến cổ phiếu này lao dốc mạnh trong phiên sáng nay.

Cụ thể, mặc dù mở cửa vẫn giữ sắc tím nhưng áp lực bán nhanh chóng khiến cổ phiếu này nằm sàn và đà giảm đã có chút thu hẹp về cuối phiên. Tạm chốt phiên sáng, TAC -4,4% xuống 56.500 đồng/CP, thậm chí có lúc rơi xuống mức giá sàn.

Trái lại, thành viên mới gia nhập sàn HOSE là BCM lại có phiên chào sàn khá ấn tượng khi tăng vọt cả giá và thanh khoản. Chốt phiên, BCM tăng hết biên độ lên mức giá trần 33.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 159.900 đơn vị, cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Trên sàn HNX, sau gần 1 giờ nỗ lực giữ sắc xanh, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường quay đầu và diễn biến giằng co trong suốt thời gian còn lại.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,18%), xuống 125,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 331,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,1 triệu đơn vị, giá trị 335,67 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là 10 triệu cổ phiếu VCG, trị giá 335 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCG đảo chiều giảm sau 4 phiên khởi sắc liên tiếp. Tạm chốt phiên sáng, VCG -2,2% xuống 35.100 đồng/CP, khối lượng khớp 0,26 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều bluechip cũng đảo chiều giảm như NTP -1,9% xuống 31.000 đồng/CP, IDC -2,2% xuống 22.200 đồng/CP, hay các mã ACB, VCS, SHS, TNG… cũng điều chỉnh nhẹ.

Trái lại, SHB dù có chút rung lắc nhưng chốt phiên cổ phiếu này vẫn bảo toàn sắc xanh khi +1,4% lên 14.200 đồng/CP.

Về thanh khoản trên sàn HNX, cổ phiếu HUT dẫn đầu với 3,47 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp theo đó PVS khớp 2,43 triệu đơn vị, DST khớp 2,36 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, sắc xanh cũng chỉ kịp le lói đầu phiên và nhanh chóng dập tắt trước áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,41%), xuống 59,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 11,42 triệu đơn vị, giá trị 160,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 8,15 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM giao dịch không mấy tích cực với LPB -1,1% xuống 9.100 đồng/CP, VIB -2,2% xuống 22.100 đồng/CP, BVB -2,7% xuống 10.700 đồng/CP.

Trong đó, LPB và VIB dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,81 triệu đơn vị và 1,76 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan