Giao dịch chứng khoán sáng 29/7: Ngồi trên đống lửa

Giao dịch chứng khoán sáng 29/7: Ngồi trên đống lửa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những ai đua mua vào trong phiên hôm qua như đang ngồi trên đống lửa khi lệnh bán tháo đã xuất hiện trở lại trong phiên sáng nay.

Trong phiên 28/7, sau 2 phiên bán tháo mạnh trước đó, thị trường đã hồi phục trở lại nhờ lực cầu bắt đáy. Tuy nhiên, điều bất ngờ là lực cầu mua đuổi diễn ra mạnh trong phiên chiều kéo VN-Index tăng hơn 28 điểm với nhiều mã tăng trần.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ giống như thời điểm tháng 3 khi thị trường phản ứng tiêu cực với thông tin về các ca nhiễm Covid-19, nhưng sau đó đã có chuỗi hồi phục ấn tượng.

Trong phiên cuối tuần trước (24/7), khi có thông tin về ca nghi nhiễm Covid trong cộng đồng tại Đà Nẵng sau 99 ngày không có ca nhiễm nào trong cộng đồng, giới đầu tư trong nước đã giật mình lo sợ bán ra.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (27/7), ngay khi cơ quan chức năng xác nhận ca nghi nhiễm là ca nhiễm Covid đầu tiên trong cộng đồng sau 99 ngày, tiếp đó xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới, nhà đầu tư đã thật sự hoảng sợ bán tháo, đẩy VN-Index lao dốc gần 44 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy lại chảy rất mạnh trong 2 phiên bán tháo này, giúp thanh khoản tăng vọt, nhất là nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mạnh trong các phiên bán tháo của thị trường.

Sau 2 phiên bán tháo, nhà đầu tư bất ngờ đổi trạng thái tâm lý từ lo sợ sang hưng phấn quá đà trong phiên 28/7, kéo VN-Index tăng vọt gần 28 điểm. Tuy nhiên, nhiều cảnh báo và dự đoán đã đưa ra đây chỉ là đợt hồi phục kỹ thuật.

Đúng như dự báo, trong phiên sáng nay, ngay khi xuất hiện những ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, Quảng Nam, cùng các ca nghi nhiễm ở một số địa phương khác lực bán tháo một lần nữa xuất hiện đẩy VN-Index lao dốc trả lại hết những gì đã có được trong phiên hôm qua.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử với hơn 300 mã giảm, trong khi số mã tăng chưa tới 30 mã. Điều đáng nói là thanh khoản sụt giảm mạnh, khi bên mua lo sợ không dám mạo hiểm xuống tiền bắt đáy như 2 phiên lao dốc trước đó.

Tuy nhiên, khi VN-Inde bị đẩy xuống sát ngưỡng 780 điểm, lực cầu bắt đáy chảy mạnh đã chặn đã giảm và giúp thanh khoản tăng vọt, nhiều lệnh bán giá thấp được hấp thụ rất tốt.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 27,93 điểm (-3,43%), xuống 785,43 điểm với 26 mã tăng, trong khi có tới 361 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 236,9 triệu đơn vị, giá trị 3.435,6 tỷ đồng, tăng 27,4% về khối lượng và tăng 26,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,8 triệu đơn vị, giá trị 556,8 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ duy nhất NVL may mắn đứng giá tham chiếu, còn lại đảo chiều giảm mạnh. Trong đó, giảm mạnh nhất là GVR khi mất 6,79% xuống 9.880 đồng, tiếp đến là HVN giảm 6,52% xuống 21.500 đồng; VRE giảm 6,43% xuống 25.450 đồng. Các mã giảm hơn 5% có CTG, TCB, PLX, VPB, MWG; các mã giảm hơn 4% có BID, MBB, BVH, POW, STB; các mã giảm hơn 3% có HPG, FPT, HDB, EIB, VNM; còn lại là giảm trên dưới 2%.

Trong nhóm này, HPG và STB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 11 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị. Trong đó, HPG cũng là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường.

Trong các mã thị trường, ROS, ITA, HQC, DLG, DAH, LDG, HAI, SJF, TCH, TTF, TNI, AMD, ASM… giảm sàn. Các mã khác cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá lớn. Trong đó, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 2 thị trường sau HPG với 10,7 triệu đơn vị. ITA và HQC khớp hơn 8 triệu đơn vị.

HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn khi không nhận được lực cầu bắt đáy.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 4,66 điểm (-4,32%), xuống 103,31 điểm với 22 mã tăng trong khi có tới 119 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 32,67 triệu đơn vị, giá trị 295 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Cũng như trên HOSE, các mã lớn trên HNX chỉ duy nhất VIF tăng giá nhẹ 0,63% lên 15.900 đồng, còn lại đều giảm mạnh. Trong đó, ACB giảm 4,37% xuống 21.900 đồng, SHB giảm 7,14% xuống 10.400 đồng, VCG giảm 3,08% xuống 25.200 đồng, VCS giảm 5,48% xuống 55.200 đồng, PVI giảm 2,32% xuống 29.500 đồng, PVS giảm 7,08% xuống 10.500 đồng, THD giảm 6,98% xuống 64.000 đồng, NVB giảm 2,3% xuống 8.500 đồng…

Trong đó, ACB là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 3,2 triệu đơn vị, PVS khớp 2,68 triệu đơn vị…

Trong các mã thị trường, KLF giảm sàn về 1.500 đồng khớp hơn 4 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. HUT cũng giảm sàn xuống 1.800 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị. Các mã giảm sàn khác có MBG, ART, TVC…

UPCoM cũng giảm mạnh, nhưng không mạnh bằng 2 sàn niêm yết. Cụ thể, UPCoM-Index giảm 1,49 điểm (-2,7%), xuống 53,79 điểm với 33 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24 triệu đơn vị, giá trị 439 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng 11 triệu đơn vị, giá trị 285,5 tỷ đồng.

Trên thị trường này chỉ có 2 mã khớp trên 1 triệu đơn vị và LPB khớp 3,8 triệu đơn vị và BSR khớp 2,29 triệu đơn vị. Trong đó, LPB đóng cửa giảm 3,61% xuống 8.000 đồng, BSR giảm 5% xuống 5.700 đồng.

Tin bài liên quan