Giao dịch chứng khoán sáng 29/3: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh

Giao dịch chứng khoán sáng 29/3: Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian dài hào hứng tham gia thị trường, nhà đầu tư bất ngờ thận trọng cao độ trong phiên giao dịch sáng nay khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu nhỏ với hàng loạt mã đua nhau nổi sóng với giao dịch bùng nổ.

Mặc dù khối ngoại đã giảm nhiệt bán ròng, thậm chí có phiên mua ròng mạnh tới gần 300 tỷ đồng trong ngày 25/3 nhưng với lực bán mạnh trong nước diễn ra ồ ạt, thị trường đã có tuần biến động mạnh với những phiên giảm sâu. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index đã để mất gần 32 điểm, tương ứng giảm 2,7% và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 1.162,21 điểm.

Không chỉ biến động mạnh về chỉ số, thị trường cũng đã có những phiên giao dịch mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư, đặc biệt trong phiên cuối tuần ngày 26/3. Thông tin ca dương tính Covid-19 nhập cảnh trái phép đã tác động mạnh lên thị trường khiến lực bán diễn ra ồ ạt và chỉ số VN-Index đã có lúc ghi nhận giảm hơn 25 điểm, qua ngưỡng kỹ thuật. Tuy nhiên, với sự nhập cuộc của dòng tiền bắt đáy, thị trường đã bật mạnh đi lên và tiến sát mốc tham chiếu khi kết phiên.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS, thị trường đã tạo một vùng dao động tích lũy kéo dài cả tháng qua, ở những phiên kiểm nghiệm ngưỡng hỗ trợ như vậy, việc chỉ số giảm mạnh qua ngưỡng kỹ thuật rồi được kéo lên có tác dụng kiểm tra nguồn cung và rũ bớt lượng hàng lỏng qua đó giúp thị trường tăng bền vững hơn.

Dự báo xu hướng thị trường trong tuần này, KBSV cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ còn trải qua diễn biến rung lắc mạnh và cơ hội tạo đáy, hồi phục thành công vẫn chưa được đánh giá cao, chừng nào chỉ số chưa vượt được vùng cản quanh 1.175-1.180 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 29/3, có một nét thú vị đã diễn ra. Nếu như phiên cuối tuần trước, việc nghẽn lệnh khiến VN-Index không thể phục hồi mạnh sau cú rớt sâu gần 25 điểm thì HNX trong phiên chiều cuối tuần đã vượt lên mạnh mẽ. Sang phiên giao dịch sáng nay, dường như VN-Index mới tiếp diễn đà phục hồi đúng ra đã xảy ra chiều cuối tuần, còn HNX-Index đi sớm hơn theo chiều ngược lại là đảo chiều giảm điểm.

Có lẽ vì điều này, dù sàn HOSE đã lấy lại sắc xanh ngay khi mở cửa nhưng với tâm lý thận trọng sau những biến động mạnh trong tuần trước đó khiến thanh khoản sụt giảm. Đến thời điểm 10h30, VN-Index đã tăng hơn 10 điểm nhưng thanh khoản chỉ đạt trên 5.000 tỷ đồng, báo hiệu sự thận trọng cả bên bán và mua.

Nhìn vào diễn biến giao dịch thì điểm tích cực nằm ở lực cầu khá tốt, khi các cổ phiếu giảm điểm thì lượng mua tăng vọt, thể hiện rõ ở thời điểm sau 45 phút thị trường mở cửa, khi VN-Index giảm độ tăng thì lực mua ngay lập tức xuất hiện. Điều này tạo dự báo sớm về khả năng giằng co của thị trường phiên hôm nay khi giá cổ phiếu khó tăng mạnh nhưng cũng khó giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 302 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 4,98 điểm (+0,43%), lên 1.167,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 392,62 triệu đơn vị, giá trị 8.472,78 tỷ đồng, giảm 2 9% về khối lượng và 32,59% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 26/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,24 triệu đơn vị, giá trị 993,95 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi nhóm cổ phiếu bluechip biến động giằng co nhẹ trong biên độ hẹp, là tác nhân chính khiến VN-Index thiếu động lực để bật cao, thì ở nhóm cổ phiếu nhỏ, dòng tiền chảy mạnh giúp nhiều mã giao dịch bùng nổ.

Điển hình là cặp đôi nhà FLC tiếp tục điểm nhấn với giao dịch vượt trội. Cụ thể, FLC tăng 6,8% lên mức 11.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 37,5 triệu đơn vị và dư mua trần 17,64 triệu đơn vị, còn ROS tăng 7% lên mức giá trần 4.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 26,5 triệu đơn vị.

Như vậy, chỉ trong 8 phiên giao dịch, cổ phiếu FLC đã tăng trần 6 phiên, với tổng cộng mức tăng đạt xấp xỉ 64%. Đặc biệt trong các phiên tăng trần lượng dư mua trần luôn chất đống.

Bên cạnh cặp đôi nhà FLC, trong phiên sáng nay, hàng loạt mã vừa và nhỏ cũng đua nhau khoe sắc tím hoặc tăng mạnh.

Trong đó, TTF, DLG, SJF, TSC, HAI đều tăng trần với thanh khoản tích cực như TTF khớp 12,8 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên sàn HOSE chỉ sau FLC, ROS và STB; hay AMD cũng tăng sát trần, các mã khác như ITA, HNG, LDG, HAG… tạm đứng tại mức giá xanh.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa. Trong đó, các mã lớn đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường như VNM tăng 1,3% lên 98.700 đồng/CP, VRE tăng 2% lên 32.850 đồng/CP, CTG tăng 1% lên 39.450 đồng/CP; cùng BID, BVH, GAS, VHM, VIC chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, các mã lớn như VCB, TCB, HPG, MSN chỉ điều chỉnh nhẹ, cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 là REE giảm 1,1% xuống 53.400 đồng/CP.

Một số điểm nhấn khác như “tân binh” SSB, dư mua trần tiếp tục chất đống trong phiên giao dịch thứ 4 của cổ phiếu này. Tạm chốt phiên sáng nay, SSB tăng 6,9% lên mức giá 24.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,93 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,2 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ sau 4 phiên giao dịch, cổ phiếu SSB đã tăng xấp xỉ 47%.

Cổ phiếu TCH cũng đảo chiều thành công sau 4 phiên điều chỉnh liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 21.800 đồng/CP, tăng gần 1% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,67 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trong gần hết cả phiên, lực cầu bất ngờ tăng mạnh với tâm điểm là SHB đã giúp thị trường tăng vọt.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 3,45 điểm (+1,27%), lên 274,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 95,69 triệu đơn vị, giá trị 1.413,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị 62,92 tỷ đồng.

Sau phiên tăng trần cuối tuần trước, cổ phiếu SHB đã chịu áp lực chốt lời và có thời điểm bị đẩy về mốc tham chiếu trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực cầu tăng mạnh đã giúp SHB nhanh chóng lấy lại “chiếc áo tím”. Chốt phiên sáng nay, SHB tăng 9,7% lên mức 21.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 33,77 triệu đơn vị và dư mua trần 2,97 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ tốt cho đà bứt phá của thị trường như VCS tăng 2,6% lên 99.000 đồng/CP, NVB tăng 1,4% lên 14.800 đồng/CP, BAB tăng 1,7% lên 29.700 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, 2 mã thuộc họ FLC là KLF và ART tiếp tục giao dịch ấn tượng. Trong khi KLF tăng 5,4% lên gần mức giá trần 3.900 đồng/CP với khối lượng khớp 8,18 triệu đơn vị, thì ART tăng 9,3% lên kịch trần 8.200 đồng/CP và khớp lệnh 6,71 triệu đơn vị. Thanh khoản của KLF và ART chỉ đứng sau SHB.

Trên UPCoM, trái với sàn HNX, sau nhịp hồi mạnh đầu phiên, áp lực bán gia tăng khiến UPCoM-Index lùi về sát mốc tham chiếu

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,04%), lên 79,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,92 triệu đơn vị, giá trị 496,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 6,48 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giao dịch sôi động nhất UPCoM với xấp xỉ 11 triệu đơn vị được khớp lệnh và tạm chốt phiên sáng nay tăng 2,5% lên mức 16.500 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo là DDV và KSH khớp kệnh 3,43 triệu đơn vị và 3,15 triệu đơn vị, chốt phiên DDV tăng 8,8% lên 13.600 đồng/CP và KSH tăng 10% lên 2.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan