Giao dịch chứng khoán sáng 28/6: VN-Index giằng co, dòng tiền "len lỏi" tìm cơ hội mới

Giao dịch chứng khoán sáng 28/6: VN-Index giằng co, dòng tiền "len lỏi" tìm cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái giằng co nhẹ để tìm điểm cân bằng sau phiên lao dốc mạnh ngày 24/6, trong khi dòng tiền vẫn "len lỏi" tìm những cơ hội mới giúp một số mã nhỏ lẻ hoặc nhóm ngành khởi sắc.

Sau phiên lao dốc mạnh ngày đầu tuần, thị trường chuyển qua trạng thái giao dịch ảm đạm hơn bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Bên cạnh diễn biến chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ, đặc biệt trong phiên hôm qua (ngày 27/6) rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng, kể từ phiên 2/5 với giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ nhỉnh hơn 15.000 tỷ đồng.

Về xu hướng kỹ thuật, các chỉ báo RSI, MACD và CMF vẫn đang vận động ở vùng thấp và chưa có tín hiệu hồi phục, cùng thanh khoản duy trì ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên và VN-Index vẫn duy trì biên độ dao động ở vùng 1.250 – 1.260 điểm, cho thấy thị trường vẫn đang nỗ lực tìm lại điểm cân bằng.

Dự báo về xu hướng thị trường, CTCK Vietcap cho rằng, nếu lực mua được cải thiện giúp phiên tăng điểm được duy trì đến cuối ngày với thanh khoản mạnh trở lại, VN-Index sẽ có cơ hội tiếp tục hồi phục trong tuần tới. Ngược lại, nếu thị trường tăng với xung lực yếu, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang hoặc giảm để kiểm định lại hỗ trợ tại 1.248-1.255 điểm (MA50, MA100).

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 28/6, thị trường vẫn chưa có tín hiệu gì lạc quan. Tâm lý thận trọng của cả bên mua và bán khiến giao dịch ảm đạm, chỉ số VN-Index tiếp diễn xu hướng rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu với thanh khoản ở mức thấp.

Sau hơn 80 phút mở cửa, chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm nhẹ với các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng và chứng khoán giao dịch phân hóa.

Dòng tiền vẫn len lỏi tìm những cơ hội mới. Sau khi hướng đến các cổ phiếu bảo hiểm trong phiên hôm qua, dòng tiền đang “nhắm tới” các cổ phiếu cảng biển giúp các mã này có diễn biến tích cực hơn so với thị trường chung. Cụ thể, HAH, VSC, PVT, VOS, GMD, VTO, VIP… hầu hết đang tăng trên 1-2%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu mía đường cũng khá “ngọt” với LSS có thời điểm chạm trần và hiện đang tăng trên dưới 5%, các mã SBT, SLS, KTS đều tăng hơn 2%, QNS tăng 1,8%...

Hay ở nhóm cổ phiếu nhỏ lẻ, sau thông tin chốt quyền chia cổ tức cao đột biến, cổ phiếu HTL đã có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và hiện giá đang đứng tại vùng đỉnh của nhiều năm với khối lượng dư mua trần hơn 0,23 triệu đơn vị.

Áp lực có chút bán gia tăng cuối phiên đã khiến sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử và VN-Index nới nhẹ biên độ giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 111 mã tăng và 288 mã giảm, VN-Index giảm 3,13 điểm (-0,25%), xuống 1.255,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 275 triệu đơn vị, giá trị 7.367 tỷ đồng, tăng 15,98% về khối lượng và 25,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 73,77 triệu đơn vị, giá trị 2.278,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 3,5 điểm với 13 mã tăng và 15 mã giảm. Trong đó, điểm nhấn là cặp đôi VRE và MSN đều có mức tăng tốt, tương ứng đạt 2,9% và 1,9%, nhưng động lực chính của thị trường là “anh cả” dòng bank – VCB tăng 0,6%, đã đóng góp hơn 0,7 điểm cho chỉ số chung.

Ngược lại, cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng là TCB tác động lớn nhất khi lấy đi 0,43 điểm của chỉ số chung, chốt phiên là mã giảm sâu nhất của rổ VN30 khi giảm 2,1%, xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 22.950 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, dù đà bán ra không quá lớn nhưng sắc đỏ chiếm áp đảo khiến hầu hết các nhóm ngành quay đầu điều chỉnh giảm. Toàn thị trường chỉ còn 3 nhóm ngành là thực phẩm – đồ uống tăng 0,68%, tiện tích và bảo hiểm nhích nhẹ chưa tới 0,1%; còn lại đều giảm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ chỉnh nhẹ nhờ đà tăng nhẹ của VCB cùng các mã VPB, STB, SHB. Trong đó, VPB có thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt 18,18 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng nhẹ 0,5%; cổ phiếu SHB cũng tăng nhẹ sau khi nhận quyết định của NHNN nâng vốn điều lệ lên hơn 36.629 tỷ đồng, là cơ sở để Ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn năm 2024 đã được ĐHĐCĐ thông qua mới đây.

Ở nhóm chứng khoán, ngoại trừ TVB và CTS giữ được sắc xanh với mức tăng chưa tới 0,5%, còn lại đều giảm và chủ yếu cũng chỉ giảm trên dưới 1%. Đáng chú ý, trong top 10 mã giao dịch sôi động nhất thị trường không có sự góp mặt của các cổ phiếu nhóm này. VIX có thanh khoản tốt nhất ngành chỉ với gần 2,9 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,9% lên 16.650 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý trên thị trường như VRE – đã nhanh chóng khởi sắc trở lại sau 2 phiên điều chỉnh giảm với thanh khoản tích cực trong bối cảnh chung ảm đạm khi đứng ở vị trí thứ 5 trên toàn thị trường, đạt 5,56 triệu đơn vị; hay một số mã của nhóm cảng biển như HAH tăng 1,6% và khớp gần 3,7 triệu đơn vị, VSC tăng 0,5% và khớp 3 triệu đơn vị…; nhóm đường có LSS tăng 4,5%, SBT tăng 1,7%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng nới rộng đà giảm điểm về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index giảm 1,55 điểm (-0,65%), xuống 238,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,8 triệu đơn vị, giá trị 386,8 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 5,64 triệu đơn vị, giá trị 132,5 tỷ đồng.

Giao dịch thị trường vẫn ảm đạm khi chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS tiếp tục dẫn đầu với 5,78 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên cũng trong xu hướng chung của nhóm chứng khoán khi giảm 1,7% xuống mức 17.000 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi vừa và nhỏ TIG và FID khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị, chốt phiên đều đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, sau diễn biến rung lắc và chút le lói sắc xanh đầu phiên, thị trường cũng quay chóng quay đầu điều chỉnh giảm

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,69 điểm (-0,7%), xuống 97,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,6 triệu đơn vị, giá trị 382,87 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 1,16 triệu đơn vị, giá trị 5,93 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR có thanh khoản cao nhất đạt 2,38 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,3% xuống 22.300 đồng/CP.

Các mã giao dịch sôi động tiếp theo là PVL, PVX, VEA đều giảm khá mạnh, trong đó PVL và PVX giảm hơn 8,7%, còn VEA giảm 3,5%.

Tin bài liên quan