Giao dịch chứng khoán sáng 28/1: Hoảng loạn

Giao dịch chứng khoán sáng 28/1: Hoảng loạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư vốn đã lung lay, thêm thông tin tiêu cực về dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã 'đánh gục' cả thị trường ngay trong phiên sáng nay (28/1).

Thông tin về Covid-19 sau khi một nữ công nhân Hải Dương dương tính khi đến Nhật Bản đã khiến phiên chiều qua không thể thực hiện hoàn tất nhịp phục hồi, thị trường nối tiếp đà giảm phiên sáng và chốt phiên VN-Index lao dốc giảm hơn 47 điểm. Điểm đáng tích cực của phiên hôm qua là lực cầu bắt đáy rất mạnh khiến giá trị giao dịch tăng vọt đẩy bảng điện tử về trạng thái treo như thường lệ vào cuối phiên.

Sang phiên sáng nay, tin Covid-19 lại là nguyên nhân khiến thị trường tiếp tục lao dốc ngay từ khi mở cửa. Điểm tích cực vẫn là dòng tiền bắt đáy cực mạnh khiến nguy cơ phiên chiều nay phải nghỉ giao dịch sớm vì giá trị giao dịch của HOSE đã đạt mức trên 14.500 tỷ đồng, tiệm cận với mức treo bảng khoảng trên 16.000 tỷ đồng.

Thông tin đáng chú ý trong phiên đó là số ca dương tính với Covid-19 tăng vọt tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết tại cuộc họp khẩn giữa Ban Chỉ đạo và Thường trực Chính phủ, bên lề Đại hội Đảng lần thứ XIII, qua 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, ngày 27/1, các lực lượng chức năng đã vào cuộc thần tốc và phát hiện thêm 82 ca mắc mới.

Đến nay, các lực lượng đã cơ bản khoanh vùng, xác định các đối tượng cần lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Thông tin này khiến VN-Index sau khi "nảy nhẹ" lên 1.050 điểm đã bị bồi thêm một nhịp lùi sâu về 1.040 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Áp lực xả hàng không tiếc tay của nhà đầu tư, và rất có thể được bổ sung một lượng không nhỏ ép bán xả van margin, khiến bảng điện tử trên HOSE chỉ hơn 20 mã tăng trong khi có đến hơn 450 mã giảm với “đóng góp” gần 120 mã đã giảm sàn và đa số đã trắng bên mua.

Chỉ sau nửa đầu phiên, trên nhiều số diễn đàn đầu tư chứng khoán, những tiếng than thở dài, cảm xúc tiêu cực đã bùng nổ… “còn gì mà khóc với sầu”, “thảm sát”, “đẫm máu”, “xuân này con không về”,đang là phổ biến, không ít nhà đầu tư F0 đã tính đến chuyện ‘gác kiếm’ trở thành nhà đầu tư dài hạn, có nhà đầu tư còn đã ‘xin lỗi ba mẹ, vợ con’, không biết là chuyện đùa hay thật!

Tuy vậy, một số người vẫn đang kỳ vọng sau nhịp pullback này thị trường sẽ hồi phục, cùng dòng tiền tham lam có sẵn sẽ kích loạt lực mua trong phiên chiều.

Mặc dù vậy, câu hỏi cũ vẫn là liệu chiều nay ‘đường có thông, hè có thoáng’ để mà bắt đáy hay không?, khi thanh khoản đã gần chạm tới ngưỡng nghẽn trên HOSE và thông tin số ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện lên tới 82 ca liệu sẽ còn tác động thế nào đến thị trường?

Bằng một cách tình cờ nào đó, tin về Covid-19 ập đến đúng thời điểm thị trường vào downtrend, đã tạo ra một cái cớ "tuyệt đẹp" để ép thị trường chìm sâu một cách đầy tự nhiên. Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ, chuyện cũng bình thường, nhưng ở góc độ tích cực thì một "game mới" đã sẵn sàng mở ra, đặc biệt hấp dẫn dành cho những nhà đầu tư lỡ con sóng vừa rồi.

Chốt phiên sáng nay 28/1, toàn sàn HOSE có tới 475 mã giảm, trong đó có tới 294 mã giảm sàn, lác đác 18 cổ phiếu tăng điểm.

Chỉ số VN-Index theo đó đánh mất 70,9 điểm (-6,46%), xuống 1.026,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 680 triệu đơn vị, giá trị 14.944 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 17,9 triệu đơn vị, giá trị 437,6 tỷ đồng.

Rổ VN30 toàn bộ đều đỏ lửa, trong đó có tới 20 mã giảm sàn với không ít các cổ phiếu lớn như VCB, BID, CTG, MBB, HPG, VHM, GAS, MWG…còn các cổ phiếu VNM, VIC, SAB, MSN cũng áp sát mức giá sàn, giảm 6,7% đến 6,9%.

Giảm ‘nhẹ’ nhất là NVL khi mất 3,9% xuống 78.000 đồng. PLX giảm 5,3%, FPT giảm 5,9%.

Thanh khoản trong nhóm HPG dẫn đầu với hơn 48 triệu đơn vị khớp lệnh, STB có hơn 43,5 triệu đơn vị. Đây cũng là hai mã có khối lượng giao dịch cao nhất toàn sàn HOSE.

Theo sau là TCB có hơn 25,3 triệu đơn vị, MBB có gần 20 triệu đơn vị, SSI có 17,9 triệu đơn vị, CTG có 12,9 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu còn lại trên sàn cũng phần lớn giảm hết biên độ với ROS, FLC, HQC, HSG, LPB, HAG, PVD, DXG nằm trong nhóm thanh khoản cao nhất, khớp từ 8,44 triệu đến 29 triệu đơn vị.

Đi ngược thị trường còn một vài cái tên như SGT, NAV, OPC, VPS, RIC khi đều tăng kịch trần, nhưng tất cả thanh khoản đều thấp, cao nhất chỉ ở 83.300 đơn vị khớp lệnh của VPS.

“Đen đủi” nhất phiên sáng nay thuộc về cổ phiếu OCB của Ngân hàng TCMP Phương Đông, khi chào sàn phiên đầu tiên với giá tham chiếu 22.900 đồng, đã chịu tác động bán tháo chung, và giảm hết biên độ cho phéo -19,7% xuống 18.400 đồng, khớp hơn 6,21 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, tình cảnh cũng không khá hơn, khi HNX-Index liên tục đi xuống cùng đà bán tháo trên bảng điện tử, và lao về vùng đáy thấp nhất phiên khi giao dịch tạm nghỉ.

Số mã giảm trên HNX là 89 mã trong tổng số 185 mã giảm và chỉ còn 17 mã tăng, HNX-Index giảm 15,8 điểm (-7,16%), xuống 204,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 112,5 triệu đơn vị, giá trị 1.567,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,1 triệu đơn vị, giá trị 178,6 tỷ đồng.

Ngoài các mã nhỏ HUT, KLF, TIG, BCC, BII, TTH giảm sàn thì các mã lớn cũng kết phiên giảm hết biên độ có SHB, PVS, SHS, IDC, CEO, NDN, MBS, PLC, VCS, TNG…và tất cả đều trắng bên mua, cùng không ít dư bán giá sàn khối lượng lớn.

Thoát được mức giá sàn là NVB -7,9% xuống 12.800 đồng, THD -6,3% xuống 149.000 đồng, NRC -8,3% xuống 20.000 đồng.

Thanh khoản SHB dẫn đầu với 24,3 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS có 14 triệu đơn vị, HUT có 10 triệu đơn vị, SHS có 6,9 triệu đơn vị, KLF có 5,1 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chịu cung số phận như hai chỉ số chính, khi lao dốc từ sớm và kết phiên ở mức thấp nhất, để mất hơn 6%.

Giao dịch cũng tiêu cực ở nhóm các mã thanh khoản cao, với không ít các cổ phiếu lớn giảm sàn như BSR, OIL, MSR, VGI, VGT, CTR, TVN….

Trong đó, BSR khớp lệnh vượt trội với 9,58 triệu đơn vị, lùi về 8.900 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 4,53 điểm (-6,08%), xuống 69,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,4 triệu đơn vị, giá trị 546,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,28 triệu đơn vị, giá trị 4,1 tỷ đồng.

Tin bài liên quan