Giao dịch chứng khoán sáng 26/7: VN-Index thủng mốc 1.260 điểm, cổ phiếu phân bón - hóa chất lội ngược dòng

Giao dịch chứng khoán sáng 26/7: VN-Index thủng mốc 1.260 điểm, cổ phiếu phân bón - hóa chất lội ngược dòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ bởi lực bán lan rộng, thì các cổ phiếu trong nhóm hóa chất tiếp tục lội ngược dòng ấn tượng. Điểm nhấn là cổ phiếu HNG bị bán tháo mạnh ngay khi mở cửa sau thông tin tỷ phú Trần Bá Dương dừng đầu tư.

Thị trường đã có 3 tuần giảm liên tiếp trong tháng 7 với tổng mức giảm lên tới gần 140 điểm, còn nếu tính từ đỉnh 1.424,28 điểm trong phiên 2/7, tính tới phiên cuối tuần qua, VN-Index đã mất hơn 155 điểm.

Hầu hết giới phân tích đều dự báo kịch bản cho tuần cuối tháng 7 chủ yếu vẫn là điều chỉnh giảm khi tâm lý nhà đầu tư có phần bi quan về dịch với số ca mới cao kỷ lục, các trung tâm kinh tế đang phải giãn cách để chống dịch.

Theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong tuần này, VN-Index có thể sẽ kiểm định hỗ trợ gần nhất tại vùng 1.245 điểm trước khi rơi xuống hỗ trợ mạnh hơn ở vùng 1.190 điểm, tạo bởi đường MA200 ngày. Như vậy, tín hiệu hình thành đáy ngắn hạn chưa được hoàn thành và nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục quan sát thị trường với một tỷ trọng cổ phiếu thấp.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 26/7, không nằm ngoài phân tích và dự đoán của giới phân tích, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index lùi về mốc 1.260 điểm ngay khi mở cửa.

Mặc dù có những nhịp hồi phục nhẹ quanh mốc tham chiếu nhưng trước áp lực bán luôn hiện hữu, thị trường đã nhanh chóng chuyển đỏ, chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh vùng giá 1.260 điểm.

Sau gần 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm điểm đang gấp 3 lần số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng có 2/3 số mã giao dịch dưới mốc tham chiếu dù biên độ giảm không quá lớn.

Bỏ qua biến động của VN-Index, tâm điểm của thị trường phiên sáng nay là cặp đôi HNG - HAG sau thông tin tỷ phú Trần Bá Dương bất ngờ dừng đầu tư vào HNG.

Đây có lẽ là một cú sốc nặng với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu HNG, nên ngay khi mở cửa phiên sáng nay, cổ phiếu này đã bị bán tháo ồ ạt và lao về mức sàn 7.680 đồng với dư bán sàn lên tới hơn 32 triệu đơn vị.

Trước đó giữa năm 2018, sau khi thông tin về việc tỷ phú Trần Bá Dương nhảy vào giải cứu HNG đã giúp cổ phiếu này tăng vọt từ mức 7.000 đồng cuối tháng 5 lên tới hơn 17.000 đồng cuối tháng 7/2018. Sau nhịp điều chỉnh, cổ phiếu này tiếp tục sóng tăng, lên mức 18.000 đồng cuối tháng 8 sau khi thông tin chính thức được công bố.

Trong tháng 7/2019, sau thông tin Thaco tiếp tục rót tiếp vốn, cổ phiếu HNG lại có thêm đợt sóng và thiết lập đỉnh 19.150 đồng giữa tháng 7 trước khi bước vào đợt điều chỉnh kéo dài tới đầu năm 2021.

Sau đó, thông tin Thaco tiếp tục rót hàng trăm tỷ đồng vào HNG thông qua đợt phát hành riêng lẻ hơn 741 triệu cổ phiếu của HNG để hoán đổi công nợ đã tạo nên đợt sóng mới của HNG.

Do đó, việc HNG bị bán tháo sau thông tin Thaco dừng đầu tư là điều dễ hiểu.

Không chỉ HNG, HAG cũng chịu tác động tiêu cực với thông tin trên. Dù không bị bán tháo ồ ạt và có lực cầu khá tốt, nhưng HAG hiện cũng đang giao dịch ở ngấp nghé mức sàn.

Trái lại, nhóm hóa chất vẫn là điểm sáng của thị trường. Cổ phiếu CSV nhanh chóng lấy lại sắc tím và có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Hiện CSV đứng tại mức giá 30.350 đồng/CP và dư mua trần 32.600 đơn vị. Ngoài ra, DGC tăng 5,7% lên mức 97.700 đồng/CP, DPM tăng 2,9% lên 22.700 đồng/CP, DCM tăng 2,7% lên 18/900 đồng/CP, LAS tăng 4,6% lên 13/600 đồng/CP.

Mặc dù lực cầu gia tăng về cuối phiên giúp thị trường ngăn được cú rơi mạnh, nhưng dòng tiền khá yếu khiến VN-Index chưa thể lấy lại được mốc 1.260 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 95 mã tăng và 265 mã giảm, VN-Index giảm 9,08 điểm (-0,72%) xuống 1.259,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 260,53 triệu đơn vị, giá trị 8.672,6 tỷ đồng, giảm 22,17% về giá trị và 20% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,42triệu đơn vị, giá trị 1.249,25 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có 3 mã đứng giá và 5 mã giữ được sắc xanh, còn lại đều mất điểm. Trong đó, các mã như FPT, SBT, VHM và VNM có mức tăng khá hẹp, trên dưới 1%, ngoại trừ điểm sáng là KDH. Sau phiên rung lắc và điều chỉnh cuối tuần trước, cổ phiếu KDH đã hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa và chốt phiên tại vùng giá cao nhất ngày khi tăng 3,5% lên mức 39.750 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, các mã giảm chủ yếu với biên độ cũng không quá lớn, trong đó dòng bank là gánh nặng chính của thị trường với các mã BID, CTG, VCB, TCB, ACB, MSB, OCB đều giảm hơn 1%; EIB, VPB và LPB cùng giảm trên 3%; MBB giảm 2,7% xuống 27.000 đồng/CP; cổ phiếu VIB giảm mạnh nhất trong nhóm khi để mất 4,5% và chốt phiên đứng tại mức giá 38.400 đồng/CP.

Các mã bluechip khác như HPG, BVH, HPG, MWG, PDR, PLX, VRE đều giảm hơn 1%. Trong đó, cổ phiếu HPG dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với gần 14,28 triệu đơn vị được khớp lệnh, đây cũng là mã có khối lượng khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị, là minh chứng cho việc thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu bluechip, sắc đỏ cũng tràn ngập ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, cổ phiếu FLC chốt phiên giảm 1,4% xuống mức 10.450 đồng/CP, HAG thoát giá sàn nhưng vẫn giảm mạnh 6,5% xuống mức 4.580 đồng/CP, ROS, ITA, HQC cũng đều giảm trên dưới 2%...

Đặc biệt, cổ phiếu HNG khó thoát khỏi sắc xanh mắt mèo trước áp lực bán tháo lớn. Chốt phiên, HNG đứng tại mức giá 7.680 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,92 triệu đơn vị và dư bán sàn tới gần 32,5 triệu đơn vị.

Đi ngược xu hướng chung của thị trường, bên cạnh các cổ phiếu đơn lẻ như KDH, NLG, FRT…, còn có nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất và nhóm vận tải, giao nhận biển với nhiều mã lội ngược dòng khởi sắc.

Cụ thể như nhóm phân bón – hóa chất, cổ phiếu CSV vẫn giữ sắc tím, DGC tăng 4,8% lên mức 96.800 đồng/CP, DCM tăng 4,1% lên 19.150 đồng/CP, LAS tăng 5,9% lên 14.400 đồng/CP, DDV tăng 9,2% lên 14.200 đồng/CP.

Ở nhóm vận tải biển, GMD tăng 4,1% lên 44.250 đồng/CP, HAH tăng 5,2% lên 41.500 đồng/CP, TCL tăng 1,7% lên 32.400 đồng/CP, STG tăng 2,4% lên 17.100 đồng/CPm TMS tăng 2,7% lên 57.600 đồng/CP.

Trên sàn HNX, nỗ lực hồi phục trong nửa đầu phiên sáng bất thành cũng khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn và gia tăng lực bán, đẩy HNX-Index giảm sâu hơn.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 121 mã giảm, HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,58%) xuống 300,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,287 triệu đơn vị, giá trị 912,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,72 triệu đơn vị, giá trị 31,88 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 có 9 mã tăng và 18 mã giảm, trong đó đáng chú ý là VC3 tăng kịch trần nhưng giao dịch vẫn khá hạn chế. Ngoài ra còn có LAS tăng tốt, VCS tăng gần 3,5%, còn lại PVS, PVB, THD, TNG, NDN, DP3 chỉ nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, lực cản chủ yếu đến từ các mã lớn như SHB giảm 1,5% xuống 26.000 đồng/CP, BAB giảm 2,7% xuống 21.400 đồng/CP, MBS giảm 4,2% xuống 27.100 đồng/CP, VND, IDC, SHS, DTK đều giảm nhẹ…

Về thanh khoản trên sàn HNX, không có mã nào có khối lượng khớp lệnh đạt 5 triệu đơn vị. Dẫn đầu là SHB chỉ khớp 4,16 triệu đơn vị; tiếp theo là PVS khớp 3,84 triệu đơn vị, VND khớp 3,44 triệu đơn vị,MBS khớp 2,79 triệu đơn vị và SHS khớp 1,9 triệu đơn vị.

Tên UPCoM, sau nỗ lực hồi phục vào giữa phiên bất thành, thị trường đã thoái lui.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,06 điểm (-1,26%) xuống 83,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,41 triệu đơn vị, giá trị 363,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,26 triệu đơn vị, giá trị 46,54 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục có thêm phiên đỏ điểm. Tạm dừng phiên sáng, BSR giảm 2,3% xuốn mức 17.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt hơn 4,15 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng giao dịch không mấy tích cực như VGT giảm 2,5% xuống 15.600 đồng/CP, QNS giảm 2,8% xuống 41.400 đồng/CP, VGI giảm 1,8% xuống 27.900 đồng/CP, MSR gảm 2,1% xuống 19.100 đồng/CP…

Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu trong nhóm phân bón – hóa chất, đó là DDV bất ngờ tăng mạnh 6% lên mức 14.300 đồng/CP cùng thanh khoản chỉ thua BSR, đạt 1,69 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan