Giao dịch chứng khoán sáng 26/4: Thị trường lại có thêm phiên lao dốc mạnh

Giao dịch chứng khoán sáng 26/4: Thị trường lại có thêm phiên lao dốc mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những phút thăm dò nửa đầu phiên giao dịch, sau 10h30 thị trường đã lao dốc mạnh và có thời điểm chỉ số VN-Index bay hơn 25 điểm, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu FLC bị bán mạnh.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch nhiều biến động với những tâm trạng vui buồn xen kẽ nhau khi chỉ số VN-Index tăng giảm trong biên độ khá lớn. Thị trường lần đầu tiên để mất mức hỗ trợ 1.230 điểm kể từ khi lập đỉnh nhưng điều này chỉ diễn ra trong 1 phiên duy nhất và chỉ số VN-Index đã nhanh chóng đảo ngược tình thế, hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần 23/4.

Theo đánh giá của giới phân tích, phiên lao dốc mạnh ngày 22/4 không phải đến quá bất ngờ bởi trước đó nhiều phiên, thị trường đã tỏ ra suy yếu và bị bán ra nhiều mặc dù chỉ số vẫn tăng điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng đã đưa ra nhận định rằng, xu hướng sẽ tiêu cực hơn trong tháng 5 nếu mức 1.230 bị mất một lần nữa khi đó sẽ là "Sell In May". Ngược lại, tình hình vẫn tích cực nhưng sự tích cực cũng sẽ bị ảnh hưởng do lực bán ròng mạnh từ những nhà đầu tư lớn.

Bên cạnh những nhận định bi quan thì nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng đây chỉ là đợt điều chỉnh cần có vì nền tảng thị trường vẫn giữ nguyên với kinh tế tăng trưởng tốt, dòng tiền rẻ và về mặt kỹ thuật thì chu kỳ tăng theo sóng Elliott vẫn chưa kết thúc.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 26/4, một số bluechip vẫn đóng vai trò là trụ đỡ chính giúp VN-Index duy trì đà tăng nhẹ.

Tuy nhiên, phiên hồi phục ngày cuối tuần trước 23/4 sau màn lao dốc mạnh trước đó chưa đủ giúp nhà đầu tư vững tâm hơn khiến thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm. Bên cạnh đó, áp lực bán bảo vệ thành quả trong bối cảnh thị trường đang có nhiều bất ổn đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục.

Áp lực bán ngày càng gia tăng mạnh khiến thị trường lùi sâu hơn. Chỉ số VN-Index giằng co quanh mốc 1.240 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch với sắc đỏ chiếm áp đảo, hơn gấp đôi số mã tăng, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng phần lớn giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trong khi thị trường chung đang chịu sức ép bán ra thì cổ phiếu HAG lại là điểm nhấn. Nếu trong 2 phiên trước, áp lực bán tháo diễn ra mạnh khiến HAG nằm sàn với lượng dư bán sàn chất đống, thì trong phiên sáng nay, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh và ngay từ đầu phiên, đã giúp cổ phiếu này hồi phục. Sau gần 90 phút giao dịch, cổ phiếu HAG đã tăng 4% với thanh khoản sôi động đạt gần 15,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhà FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF đều bị đẩy bán mạnh và hiện đồng loạt đều giảm khá sâu trên dưới 4%, thậm chí ART còn giảm về gần mức giá sàn.

Áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index để mất những gì vừa lấy lại trong phiên cuối tuần qua ngày 23/4 và lùi về dưới vùng giá 1.230 điểm.

Chốt phiên giao dịch sáng 26/4, sàn HOSE có tới 327 mã giảm và chỉ 82 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 20,35 điểm (-1,63%) xuống 1.228,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 444,57 triệu đơn vị, giá trị 11.242,84 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,44% về khối lượng và giảm 3,85% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,76 triệu đơn vị, giá trị gần 1.222 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh gồm NVL tăng nhẹ 0,9% lên 108.000 đồng/CP, PDR tăng 3,4% lên 72.700 đồng/CP, SBT tăng 2,5% lên 20.900 đồng/CP, STB tăng 1,8% lên 22.850 đồng/CP, VPB tăng 3,3% lên 52.700 đồng/CP.

Hôm nay, PDR điều chỉnh giá tham chiếu bởi đây là phiên giao dịch cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:117, tương ứng Công ty sẽ phát hành gần 51 triệu cổ phiếu.

Trái lại có tới 26 mã mất điểm, trong đó đều giảm hơn 1%. Đáng kể các mã lớn giảm khá sâu như VHM giảm 2,9% xuống 102.000 đồng/CP, VIC giảm 2,4% xuống 135.000 đồng/CP, VNM giảm 2,5% xuống 97.000 đồng/CP, VCB giảm 2,7% xuống 101.200 đồng/CP, TCB giảm 1,7% xuống 39.800 đồng/CP, GAS giảm 3,3% xuống 83.200 đồng/CP…

Bên cạnh nhóm cổ phiếu bluechip, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị xả bán mạnh. Trong đó, các mã nhà FLC sau chuỗi ngày dài tăng mạnh cũng đã giảm sâu và có thời điểm đồng loạt nằm sàn.

Cụ thể, ROS giảm 6,9% xuống mức giá sàn 7.170 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 37,26 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 9,76 triệu đơn vị; FLC giảm 5,6% xuống 11.700 đồng/CP, AMD giảm 6,8% xuống sát giá sàn 7.270 đồng/CP, HAI giảm 6,7% xuống 5.400 đồng/CP…

Cổ phiếu HQC cũng bị bán tháo mạnh ngay từ đầu phiên và tạm dừng phiên sáng nay ở mức giá sàn 4.080 đồng/CP cùng lượng dư bán sàn hơn 11,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu HAG vẫn giữ được đà tăng khá tốt sau 2 phiên bán sàn chất đống. Tạm chốt phiên sáng, HAG tăng 3,4% lên 5.210 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 18,95 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cuối phiên cũng khiến các mã lớn bé đua nhau chuyển đỏ và thị trường giảm sâu hơn.

Chốt phiên sáng, sàn HNX cũng có tới 134 mã giảm và chỉ 38 mã tăng, HNX-Index giảm 1,51 điểm (-0,53%), xuống 282,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,25 triệu đơn vị, giá trị 1.235,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,76 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 32,38 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn lác đác vài mã điểm xanh như NDN, NRC, NTP, SHB, SJE, VC3 với mức tăng nhẹ chỉ trên dưới 1%.

Trong đó, SHB diễn biến khá giằng co nhưng đã may mắn có được sắc xanh nhạt vào cuối phiên nhờ lực cầu tăng mạnh. Chốt phiên, SHB tăng 0,4% lên 27.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HNX, đạt 9,88 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, đáng kể một số mã lớn đóng vai trò gánh nặng chính của thị trường như PVS giảm 3,8% xuống 20.400 đồng/CP, VCS giảm 1,7% xuống 89.300 đồng/CP, IDC giảm 2,9% xuống 33.100 đồng/CP, VIF giảm 8,2% xuống 16.800 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý là KLF, dù mở cửa vẫn duy trì được sắc xanh nhưng áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến cổ phiếu này có thời điểm giảm sàn. Chốt phiên, KLF giảm 7,5% xuống mức 6.200 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 7,19 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, ART cũng lùi sâu và áp sát mức giá sàn khi giảm 8,9% xuống mức 9.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 5,56 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh khỏi xu hướng chung khi áp lực bán ngày càng gia tăng đã đẩy UPCoM-Index dần lùi xa mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,69 điểm (-0,86%), xuống 79,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,39 triệu đơn vị, giá trị 309,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 41,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn họ dầu khí là BSR những tưởng sẽ hồi phục sau 2 phiên giảm sâu nhưng lực bán cuối phiên tăng mạnh đã khiến cổ phiếu này “trượt chân”. Chốt phiên, BSR giảm 0,7% xuống 15.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 3,8 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, OIL giảm khá mạnh 4,6% xuống mức 12.400 đồng/CP.

Cũng như thị trường niêm yết, các cổ phiếu nhỏ trên UPCoM cũng bị bán mạnh, điển hình như VHG, KSH, CDO tạm dừng sát mức giá sàn; KHB và PVV giảm sàn…

Tin bài liên quan