Giao dịch chứng khoán sáng 25/5: Dòng tiền tự tin, VN-Index tiếp mạch tăng

Giao dịch chứng khoán sáng 25/5: Dòng tiền tự tin, VN-Index tiếp mạch tăng

(ĐTCK) Sau những biến động mạnh bởi chứng khoán phái sinh, tưởng chừng nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi xuống tiền, nhưng chỉ sau ít phút quan sát đầu phiên, dòng tiền đã tự tin nhập cuộc trở lại, kéo VN-Index tăng với thanh khoản tốt. Điểm nhấn đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp giao dịch khởi sắc.

Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận tuần tăng điểm thứ 6 trong 8 tuần vừa qua nhờ dòng tiền chảy mạnh vào thị trường. Đáng chú ý trong tuần giao dịch vừa qua, đặc biệt trong phiên cuối tuần ngày 22/5, thị trường đã đón nhận những biến động lớn bởi tác nhân mang tên phái sinh.

Trong thời gian gần đây, khi thị trường giao dịch sôi động, chứng khoán phái sinh cũng được nhắc đến nhiều hơn bởi những cơ hội kiếm lời dù thị trường tăng hay giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, giao dịch chứng khoán phái sinh mang yếu tố đầu cơ nhiều hơn và nhà đầu tư cần tập trung tinh thần và theo sát diễn biến thị trường để có chiến thuật mua bán hợp lý và kiểm soát tâm lý để bảo vệ tài khoản.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), cơ hội ở chứng khoán phái sinh rõ ràng là lớn hơn, kích thích nhà đầu tư hơn nhưng dĩ nhiên rủi ro đi kèm cũng tương đương. Tùy từng thời điểm nhà đầu tư có thể lựa chọn giữa phái sinh và cơ cở để có thể kiếm lợi nhuận tốt nhất.

Chính vì vậy, trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30 – ngày 21/5, một bộ phận nhà đầu tư đã phải trả giá vì đặt lệnh sai thời điểm, khi một lực mua giá trần cực lớn đổ vào sàn ngay trước khi khớp ATC khiến bên bán trở tay không kịp. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chỉ số VN-Index đã biến động gần 10 điểm.

Bộ phận phân tích tại BVSC cho rằng, tuần giao dịch tới đây cũng là thời gian các quỹ ETFs track theo chỉ số của MSCI tái cơ cấu nên thị trường có thể biến động. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 860-880 điểm.

Bước vào phiên giao dịch sáng 25/5, thị trường hồi nhẹ sau phiên mất điểm cuối tuần trước nhờ sự đi lên của một số bluechip. Tuy nhiên, diễn biến phân hóa cùng sự thiếu đồng lòng của các bluechip khiến đà tăng kém bền vững, chỉ số VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm.

Thị trường không giảm quá lâu, ngay khi thủng mốc 850 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Dù sau đó có chút rung lắc và giằng co, nhưng dòng tiền sôi động đã tiếp sức cho đà hồi phục của thị trường.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu khu công nghiệp khi đồng loạt hồi phục và tăng mạnh. Điển hình SZC dù mở cửa không mấy thuận lợi nhưng cổ phiếu này đã hồi phục và tăng trần. Ngoài ra, SZL, D2D, KBC, LHG… cũng giao dịch khởi sắc.

Dòng tiền chảy mạnh về cuối phiên đã giúp thị trường tiếp tục nới rộng biên độ tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 198 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index tăng 5,25 điểm (+0,62%) lên 857,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 165 triệu đơn vị, giá trị 3.003,77 tỷ đồng, giảm 3,85% về lượng nhưng tăng 5,66% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,25 triệu đơn vị, giá trị hơn 474,96 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu lớn VHM đã có màn đảo chiều khá ngoạn mục. Mặc dù trong hơn nửa đầu phiên sáng, VHM đã giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này đảo chiều khởi sắc với thanh khoản tăng vọt. Hiện VHM +1,7% lên 77.800 đồng/CP và khớp 2,72 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, trụ cột VNM cũng hỗ trợ tốt cho đà hồi phục của thị trường khi +1,5%, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 116.100 đồng/CP.

Ngoài ra, dù không có sự bứt phá nhưng hầu hết dòng bank như VCB, TCB, BID, CTG, MBB, STB cùng một số mã lớn như VIC, HPG, BVH cũng tìm lại sắc xanh nhạt.

Trái lại, một số mã như GAS, PLX, FPT, VJC, NVL… vẫn điều chỉnh trong biên độ hẹp.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng diễn biến khởi sắc với ITA +3,8% lên 2.720 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất với hơn 7,57 triệu đơn vị được khớp lệnh; các mã khác như HQC, HAG, HAI, HHS, DXG… cũng có được đà tăng nhẹ.

Nhóm cổ phiếu Khu công nghiệp tiếp tục dâng cao với SZC giữ vững sắc tím và khớp lệnh 3,62 triệu đơn vị, SZL +4,7% lên 40.850 đồng/CP, D2D +4,7% lên 59.800 đồng/CP, LHG +4% lên 18.000 đồng/CP, KBC +4,3% lên 13.400 đồng/CP…

Trên sàn HNX, nhóm bluechip giao dịch khởi sắc giúp đà tăng của HNX-Index được duy trì khá ổn định trong suốt cả phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 61 mã tăng và 39 mã giảm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (+1,59%), lên 108,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,78 triệu đơn vị, giá trị 307,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể với giá trị chỉ hơn 1,89 tỷ đồng.

Mặc dù không còn giữ được sắc tím nhưng SHB, thậm chí có lúc đảo chiều giảm do áp lực bán chốt lời tăng, nhưng cổ phiếu này đã nhanh chóng hồi phục và tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường. Chốt phiên, SHB +6,1% lên mức 14.000 đồng/CP và khớp hơn 6,72 triệu đơn vị, vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Thêm vào đó, một số mã bluechip khác cũng giao dịch khởi sắc như ACB +1,3% lên 22.700 đồng/CP, PVS +1,6% lên 12.600 đồng/CP, DGC +1,2% lên 33.000 đồng/CP, PVB +1,4% lên 14.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF và HUT đã đảo chiều tăng trần trở lại nhưng giao dịch khá hạn chế chỉ đạt trên dưới nửa triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng giao dịch khá tích cực.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,55 điểm (+1,02%), lên 54,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 7,43 triệu đơn vị, giá trị 106,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Mặc dù kết thúc quý I, Lộc Trời ghi nhận lợi nhuận âm nhưng với những nhân tố mới trong ban điều hành cùng việc tái cấu trúc doanh nghiệp, Công ty vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm tăng trưởng 7,5%. Thông tin này đã tiếp sức cho đà tăng mạnh của cổ phiếu LTG.

Chốt phiên sáng, LTG +14,7% lên mức giá trần 21.100 đồng/CP với gần 0,65 triệu đơn vị được giao dịch thành công và dư mua trần 165.200 đơn vị.

Trong khi đó, BSR tiếp tục mất điểm khi -3,1% xuống 6.200 đồng/CP nhưng là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, đạt hơn 1,4 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng LPB và VIB lần lượt khớp 1,38 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị. Chốt phiên, LPB đứng giá tham chiếu, còn VIB +3,85% lên 30.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan