Giao dịch chứng khoán sáng 25/1: Nhà đầu tư tháo chạy khỏi FIT, cặp đôi ROS - FLC vẫn nóng

Giao dịch chứng khoán sáng 25/1: Nhà đầu tư tháo chạy khỏi FIT, cặp đôi ROS - FLC vẫn nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường diễn biến phân hóa khiến VN-Index trở nên rung lắc, trong đó dòng bank vẫn chưa thoát khỏi đà bán ra khi đồng loạt đều mất điểm. Tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi ROS - FLC vẫn bùng cháy, trong khi FIT bị bán tháo.

Theo đánh giá của giới phân tích, phiên đổ đèo ngày 19/1 đã cảnh tỉnh nhà đầu tư rằng thị trường không phải “dễ ăn” như nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường đã có suy nghĩ “mua là thắng, bán là thua”. Đây giống như một cú "nắn gân" cảnh báo các nhà đầu tư luôn thận trọng, có kế hoạch đầu tư, quản trị rủi ro, dòng tiền của mình chứ không phải mua đại cũng thắng như thời gian qua.

Tuy nhiên, sau phiên lao dốc mạnh, thị trường đã nhanh chóng hồi phục dù lực không còn mạnh như trước đó và dòng tiền cũng có phần thận trọng hơn bởi lượng nhà đầu tư cảnh giác đứng ngoài quan sát.

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM, góc nhìn trung và dài hạn đương nhiên vẫn ổn. Xu hướng tăng ngắn hạn vẫn được duy trì, tuy nhiên để tăng tốc ngay trong tuần tới sẽ là hơi khó vì nguồn cung ở quanh 1.100 cần được hấp thụ hết và hàng ở các phiên bắt đáy khi giảm mạnh sẽ về.

Tuần tới sẽ là tuần rất bận rộn với nhiều sự kiện quan trọng: khai mạc Đại hội Đảng, FOMC họp lần đầu trong năm 2021 và cuối tuần sẽ là review của ETF VN30, VN Diamond và VNFinlead. Tuần tới với nhiều sự kiện như vậy, kỳ vọng là tuần tích luỹ và vượt qua thử thách của thị trường. Hỗ trợ gần nhất quanh 1.140, mất ngưỡng này xu hướng ngắn hạn sẽ xấu đi.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 25/1, sau 3 phiên hồi phục liên tiếp, áp lực bán chốt lời xuất hiện ngay từ khi mở cửa khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ.

Tuy vậy, lực bán không quá mạnh trong khi dòng tiền vẫn tham gia vào thị trường khá ổn định khiến thị trường không giảm quá sâu. Chỉ số VN-Index biến động khá giằng co khi sang đợt khớp lệnh liên tục bởi diễn biến phân hóa của thị trường nói chung và nhóm bluechip nói riêng.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn chưa thấy lại được hướng đi khi đồng loạt đều giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm đều trên dưới 1,5%.

Trong khi đó, nhiều mã nóng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình là ROS, lực cầu vẫn mạnh mẽ khiến cổ phiếu này giữ vững đà tăng trần với thanh khoản sôi động. Sau khoảng 80 phút giao dịch, ROS đã khớp hơn 30 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, người bạn đồng hành FLC cũng xoay quanh mức giá trần và hiện khớp gần 22 triệu đơn vị cùng dư mua trần gần 0,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu FIT đang bị xả mạnh xuống mức sàn 18.850 đồng, không khi lực cầu rất ít khiến thanh khoản rất thấp chi gần 200.000 cổ phiếu được khớp lệnh tính tới 10h40, trong khi lượng dư bán giá sàn lên tới gần 9 triệu đơn vị.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay, không ít số điện thoại “ma” gửi tin nhắn đến nhiều nhà đầu tư, kích động mua cổ phiếu FIT của công ty Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T với các tin nhắn như: “Cổ phiếu FIT: Bứt phá về mục tiêu 3x”, “FIT phá vỡ ngưỡng 12k thành siêu cổ phiếu không có đỉnh”, “FIT: Cổ phiếu tích lũy tích cực, hướng về vùng giá 15-17k”...

Ông Huỳnh T, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, ông nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ, kêu gọi mua vào cổ phiếu FIT. Gọi, nhắn tin hỏi lại nhưng không ai trả lời. Dự cảm cổ phiếu FIT sẽ được “đánh lên”, ông theo dõi diễn biến giao dịch cổ phiếu này vài phiên để xem “phong cách của đội lái”, sau đó quyết định mua vào 50.000 cổ phiếu tại mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây, ông đã bán ra với giá hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

“Tôi thấy mã đó không có yếu tố cơ bản gì, nhưng nhìn cách giao dịch thấy bắt đầu được đánh lên nên mua. Trong ngân sách của tôi luôn có khoản dành cho hàng nóng”, ông T nói.

Tuy nhiên, từ phiên cuối tuần trước, sau khi kéo lên mức 21.800 đồng, cổ phiếu FIT đã bị xả mạnh và lao về mức sàn 20.250 đồng với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.

Trong phiên sáng nay, lệnh mua FIT giảm rất mạnh, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu lo thoát hàng, nhưng có vẻ đang bị mắc kẹt. FIT là một ví dụ chân thực nhất cảnh báo các nhà đầu tư ưa thích mã nóng, khi tăng thì tăng rất mạnh nhưng khi giảm thì không thể thoát hàng.

Thị trường vẫn duy trì trạng thái phân hóa mạnh và liên tục biến động quanh vùng giá tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 214 mã tăng và 224 mã giảm, VN-Index tăng 2,13 điểm (+0,18%), lên 1.168,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 426,79 triệu đơn vị, giá trị 9.154 tỷ đồng, giảm 8,92% về khối lượng và 5,74% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 22/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,83 triệu đơn vị, giá trị 411,43 tỷ đồng.

Dòng bank vẫn đóng vai trò là lực hãm thị trường khi không có mã nào tăng giá. Các mã lớn như BID, CTG, TCB hay VPB, STB, HDB đều giảm hơn 1%, EIB giảm 3,4% xuống 19.800 đồng/CP…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng quay đầu như GAS giảm 2,1% xuống 84.800 đồng/CP, PLX về mốc tham chiếu, PVD giảm 2,1% xuống 20.850 đồng/CP, PVT giảm 2% xuống 19.200 đồng/CP…

Nhóm chứng khoán cũng chưa thấy điểm sáng khi đồng loạt đều giao dịch dưới mốc tham chiếu như SSI giảm 1,5% xuống 33.250 đồng/CP, HCM giảm 1,8% xuống 30.300 đồng/CP, BSI giảm 2% xuống 14.800 đồng/CP, CTS giảm 4,4% xuống 15.300 đồng/CP, VND giảm 1,6% xuống 27.500 đồng/CP, TVS giảm 3,8% xuống 17.800 đồng/CP…

Trái lại, trong nhóm VN30, một số mã bluechip tăng khá tốt như HPG tăng 2,7% lên 44.850 đồng/CP, MSN tăng 4,2% lên 97.200 đồng/CP, MWG tăng 3,2% lên 131.300 đồng/CP, PNJ tăng 2,4% lên 86.000 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn giao dịch khởi sắc với nhiều mã tăng nóng như DXG, HBC, KBC, NTL đều tăng trần và dư mua trần với giao dịch sôi động khớp một vài triệu đơn vị. Trong đó, cổ phiếu bất động sản khi công nghiệp KBC đã có bước phi nước đại trong khoảng 1 tháng qua.

Tạm chốt phiên sáng nay, KBC tăng 6,9% lên 45.500 đồng/CP với khối lượng khớp 6,33 triệu đơn vị và dư mua trần 1,47 triệu đơn vị. Tính chung trong khoảng 1 tháng, KBC đã gấp đôi thị giá từ mức dưới 20.000 đồng/CP lên mức hiện nay.

Cặp đôi cổ phiếu thị trường ROS và FLC tiếp tục thu hút nhà đầu tư khi cả 2 cùng dư mua trần khá lớn với thanh khoản sôi động. Hiện ROS tăng 6,8% lên 4.570 đồng/CP với khối lượng khớp 30,86 triệu đơn vị và dư mua trần 5,72 triệu đơn vị; còn FLC tăng 7% lên 6.270 đồng/CP và khớp 26,78 triệu đơn vị cùng dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FIT vẫn trong trạng thái dư bán sàn chất đống khi chốt phiên vẫn chủ nhúc nhắc với 247.400 đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn 7,81 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán chốt lời tiếp tục khiến HNX-Index giảm khá sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 78 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index giảm 3,04 điểm (-1,27%), xuống 237,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 88,54 triệu đơn vị, giá trị 1.142 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 0,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 4 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, cặp đôi NRC và TNG vẫn là điểm nhấn khi cả 2 cùng tăng trần hoặc sát trần. Trong đó, NRC vẫn trong trạng thái dư mua trần và khớp lệnh khá thấp do vắng bóng bên bán, còn TNG đã có chút rung lắc ở vùng giá này do áp lực chốt lời và chốt phiên tăng 9,5% lên 26.500 đồng/CP, khối lượng khớp gần 4,2 triệu đơn vị.

Trái lại, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều mất điểm. Đáng kể là nhóm dầu khí và chứng khoán đồng loạt đều giao dịch dưới mệnh giá.

Trong đó, các mã chứng khoán giảm khá sâu như SHS giảm 4,1% xuống 28.200 đồng/CP, MBS giảm 5,3% xuống 21.300 đồng/CP, BVS giảm 4,5% xuống 21.300 đồng/CP, HBS giảm 5,8% xuống 6.500 đồng/CP, PSI giảm 8% xuống 8.100 đồng/CP, VIX giảm 5,8% xuống 25.500 đồng/CP…

Về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng SHB vẫn dẫn đầu với 14,34 triệu đơn vị được khớp lệnh nhưng chốt phiên vẫn không thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 2,3% xuống 17.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, sau thời gian ngắn giằng co nhẹ ở vùng giá tham chiếu, UPCoM-Index đã đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,19%), lên 77,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,75 triệu đơn vị, giá trị 481 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,1 triệu đơn vị, giá trị 20,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục có thêm phiên điều chỉnh với mức giảm 2,5% xuống 11.600 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất UPCoM với hơn 5 triệu đơn vị

Ngoài ra VGI giảm 1,4% xuống 45.500 đồng/CP, VEA giảm 1,5% xuống 46.900 đồng/CP, MLS giảm 2,6% xuống 45.000 đồng/CP…

Tin bài liên quan