Giao dịch chứng khoán sáng 24/9: TTA tiếp tục bị bán tháo, VN-Index đứng vững

Giao dịch chứng khoán sáng 24/9: TTA tiếp tục bị bán tháo, VN-Index đứng vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán từ sớm khiến thị trường giảm điểm, tuy nhiên, các bluechip hồi dần trở lại đã kéo VN-Index trở lại gần tham chiếu. 

Trong phiên sáng hôm qua, lực cầu tốt ngay từ sớm đã đưa VN-Index leo lên gần 915 điểm, trước khi hạ nhiệt nhẹ sau đó.

Sau giờ nghỉ trưa, thêm một lần VN-Index tiến tới thử thách mốc điểm trên nhờ nhóm bluechip quay trở lại cuộc đua, nhưng một vài mã không chung hướng đã khiến VN-Index chỉ lình xình, giao dịch đi ngang cho đến kết phiên.

Theo KBSV nhận định thì với việc phản ứng sớm với vùng kháng cự 920-925 điểm trong khi chỉ số động lượng RSI đã tiến vào vùng quá mua. Chúng tôi cho rằng xu hướng hồi phục của chỉ số sẽ gặp nhiều rung lắc mạnh trong những phiên tới.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 24/9, áp lực bán mạnh ngay khi mở cửa lên nhiều nhóm ngành đã khiến chỉ số VN-Index lùi về gần 907 điểm, trước khi dần trở lại gần tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Mặc dù vậy, sắc đỏ vẫn lấn át trên bảng điện tử và kể cả ở nhóm VN30. Sắc xanh đáng kể chỉ còn tại MBB, HSG và ITA, khi đang có khối lượng giao dịch cao nhất sàn.

Trong đó, giao dịch của khối ngoại đối với MBB đáng chú ý nhất, khi mua vào hơn 3,6 triệu đơn vị và bán ra 1 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, tân binh TTA tiếp tục giảm sàn từ sớm xuống 20.550 đồng, thanh khoản có dấu hiệu bị tắc, khi chỉ khớp được hơn 62.000 đơn vị và dư bán giá sàn lên tới hơn 3,5 triệu đơn vị.

Sau khi nỗ lực chạm dần đến tham chiếu, thị trường chững lại và chỉ nhờ một vài mã lớn hồi phục nên kết phiên VN-Index mới có được sắc xanh, mặc dù cũng chỉ là xanh nhạt.

Kết phiên, sàn HOSE có 144 mã tăng và 218 mã giảm, VN-Index tăng 1,05 điểm (+0,12%), lên 913,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 194,1 triệu đơn vị, giá trị 3.307,5 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22 triệu đơn vị, giá trị gần 362 tỷ đồng.

Nhóm bluechip đa số giảm điểm, tuy nhiên, biên độ giảm không cao, phần lớn dưới 1%. Ở chiều ngược lại, tăng giá cũng không đáng kể, duy có GAS +1,1% lên 73.500 đồng; REE +1,4% lên 40.600 đồng. Trong khi đó, SAB, SBT, SSI, CTG, HDB đứng giá tham chiếu.

Trên bảng điện tử, giao dịch đáng chú ý nhất tại HSG, khi khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 15 triệu đơn vị, và cổ phiếu này tăng mạnh 5,6% lên 15.000 đồng.

Sắc xanh khá còn có tại ITA, HBC, NKG, DBC, AAA, HAG, DXG, ASM, EVG, DIG…khớp lệnh từ 1,1 triệu đến 9,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co, nhưng phần lớn ở dưới tham chiếu với các nhóm cổ phiếu phân hóa cao.

Giao dịch đáng kể tại MBG, khi tăng kịch trần +9,1% lên 6.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với 3,84 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ACB, SHB, CEO, HUT, TVC, AMV, TIG đứng giá tham chiếu, còn PVS, SHS, PMC, AAV tạm kết phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 34 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,11%), xuống 132,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,66 triệu đơn vị, giá trị 312 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,74 triệu đơn vị, giá trị 103,6 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giằng co, nhưng diễn biến có phần tích cực hơn khi phần lớn thời gian ở trên tham chiếu.

LPB vẫn là cổ phiếu được giao dịch lớn nhất với hơn 4,67 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng mã này giảm 0,9% xuống 10.600 đồng.

Hai mã tiếp theo là TLP và BSR với 3,53 triệu và 1,44 triệu đơn vị khớp lệnh và cả 2 dừng chân ở tham chiếu tại 11.500 đồng và 6.800 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,23%), lên 61,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,66 triệu đơn vị, giá trị 199,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,06 triệu đơn vị, giá trị 69,3 tỷ đồng.

Tin bài liên quan