Giao dịch chứng khoán sáng 24/2: Dòng tiền bắt đầu dè dặt, VN-Index mắc kẹt ở vùng đỉnh

Giao dịch chứng khoán sáng 24/2: Dòng tiền bắt đầu dè dặt, VN-Index mắc kẹt ở vùng đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nhà đầu tư tỏ ra dè dặt hơn đã khiến VN-Index đang mặc kẹt tại vùng đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, một số cổ phiếu, nhất là nhóm ngân hàng vẫn có sức hút với nhà đầu tư.

Sau 2 phiên giao dịch thăng hoa đầu Xuân mới Tân Sửu, VN-Index đã có phần chậm lại trong 3 phiên gần đây khi bước vào vùng đỉnh lịch sử. Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức tốt và hiện tượng nghẽn lệnh lại tiếp diễn.

Trong phiên giao dịch sáng nay, sự giằng co, lình xình của VN-Index vẫn tiếp diễn với diễn biến có phần chậm hơn khi nhà đầu tư thận trọng, nhưng điều dễ nhận thấy là dòng tiền vẫn chảy vào địa chỉ quen thuộc là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, STB, ACB và MBB đang là các mã nằm trong Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất sàn.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí sau thời gian bùng nổ theo giá dầu cũng đã có dấu hiệu điều chỉnh khi ngoại trừ PLX, đa số đang chìm trong sắc đỏ.

VN-Index giằng co nhẹ trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng và đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, VN-Index tăng 0,34 điểm (+0,03%) lên 1.177,98 điểm với 200 mã tăng và 213 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 314,5 triệu đơn vị, giá trị 7.826,6 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và hơn 9% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,6 triệu đơn vị, giá trị 545 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng vẫn là nhóm có sức hút mạnh với dòng tiền với 3 mã STB, MBB và ACB có thanh khoản trên 10 triệu đơn vị, CTG cũng khớp gần 9,4 triệu đơn vị. Trong đó, STB đứng giá tham chiếu, ACB giảm nhẹ 0,3%, còn MBB tăng nhẹ 0,4% lên 27.500 đồng, CTG tăng tốt 2% lên 37.800 đồng.

Các mã còn lại cũng có sự phân hóa khi LPB giảm 0,3% xuống 14.550 đồng, TCB giảm 0,4% xuống 39.650 đồng, BID giảm 0,7% xuống 43.700 đồng, EIB giảm 1,4% xuống 18.050 đồng, HDB và VPB đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, VCB tăng 0,2% lên 100.200 đồng, VIB tăng 1,7% lên 37.850 đồng, TPB tăng 0,2% lên 28.000 đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng, một số mã bluechip khác cũng có sức hút với dòng tiền, trong đó HPG thậm chí là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với gần 17 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 44.050 đồng. Bên cạnh đó, SSI cũng khớp hơn 7,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 34.000 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, sự phân hóa cũng diễn ra khá rõ nét, nhưng biên độ dao động của các mã không lớn. Trong đó, ROS đứng giá tham chiếu, ITA, IJC, HQC, FLC, DLG, HAG có sắc xanh, còn HNG, LDG, AMD giảm giá.

Cổ phiếu VIX sau phiên nổi sóng hôm qua cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt sáng nay khi đóng cửa giảm 3,6% xuống 30.750 đồng. Tương tự là GVR cũng giảm 0,7% xuống 29.700 đồng.

Trên HNX, ngoài sự sôi động thường thấy của SHB, mọi con mắt trong phiên giao dịch sáng nay đang dồn vào HUT khi mã này tăng trần lên 4.900 đồng với gần 9 triệu đơn vị được khớp và đang còn dư mua giá trần hơn 4 triệu đơn vị.

SHB dù lúc đầu có sắc xanh khá tốt, nhưng lực cung lớn sau đó khiến mã này đảo chiều đóng cửa giảm 0,6% xuống 16.200 đồng, khớp hơn 14 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX.

Cũng đóng cửa trong sắc đỏ còn có PVS giảm 1,8% xuống 22.200 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị, IDC giảm 1,5% xuống 39.600 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị, CEO giảm 2,7% xuống 10.900 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của SHS, NVB, MBS, CDN, DNP và mã vốn hóa lớn nhất sàn là THD nên HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,37%), lên 239,68 điểm với 88 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,9 triệu đơn vị, giá trị 1.224 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.

Ngoài HUT, trên HOSE sáng nay cũng có nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ khác tăng trần như S99 tăng lên 27.000 đồng, MST và LIG cùng tăng lên 7.500 đồng, TTH tăng lên 2.300 đồng…

UPCoM cũng giao dịch giằng co trong phiên sáng nay với biên độ hẹp, nhưng cũng đóng cửa có được mức tăng nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,28%), lên 76,68 điểm với 115 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26 triệu đơn vị, giá trị 388 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên thị trường này với hơn 7,2 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,4% xuống 12.200 đồng. Ngoài ra, có thêm 5 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó VGT giảm 2,2% xuống 18.200 đồng, SSN đứng giá tham chiếu 6.500 đồng, còn lại đều tăng tốt. Tăng mạnh nhất là AAS tăng 6,6% lên 8.100 đồng, SBS tăng 4,9% lên 6.400 đồng và QTP tăng 2,3% lên 13.500 đồng.

Tin bài liên quan