Giao dịch chứng khoán sáng 23/8: Lực bán dâng cao, cổ phiếu chứng khoán vẫn vững vàng đi lên

Giao dịch chứng khoán sáng 23/8: Lực bán dâng cao, cổ phiếu chứng khoán vẫn vững vàng đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường giảm sâu, chỉ số VN-Index đe dọa mốc 1.310 điểm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm thị trường vẫn tiếp tục tỏa sáng với hàng loạt mã tăng trần.

Mặc dù thị trường đã được cảnh báo trước về rủi ro sẽ điều chỉnh, nhưng phiên lao dốc mạnh khiến VN-Index bốc hơi hơn 45 điểm, thậm chí có lúc để mất tới gần 55 điểm và dừng chân dưới ngưỡng 1.320 điểm cuối tuần qua đã khiến giới đầu tư khá bất ngờ.

Như vậy, sau 3 tuần hồi phục liên tiếp, VN-Index đã điều chỉnh trong tuần vừa qua với điểm nhấn là thanh khoản tăng khá mạnh, đặc biệt là phiên khớp lệnh kỷ lục ngày 20/8.

Ở biểu đồ tuần là một mẫu hình nến đảo chiều “Bearish Engulfing”, trong đó mức cao nhất là của thân nến giảm là gần 1.380 điểm khá sát với ngưỡng kháng cự của mức Fibonacci thoái lui 0,786 – mốc 1.385 điểm.

Do đó, theo CSI, xác suất cao là thị trường tiếp diễn xu hướng điều chỉnh trong các phiên tới và hướng tới ngưỡng hỗ trợ kỳ vọng là mốc 1.300 điểm.

Quay trở lại diễn biến phiên giao dịch sáng ngày 23/8, thị trường khá ảm đạm. Mặc dù tình trạng bán tháo không diễn ra nhưng với áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trên sàn HOSE, số mã giảm gấp gần 3 lần số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng hầu hết giao dịch trong sắc đỏ, tuy nhiên cũng chỉ có duy nhất 1 mã là RIC ghi nhận mức giảm sàn. Chỉ số VN-Index giao dịch dưới vùng giá 1.320 điểm.

Dòng bank tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường khi hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, ngoại trừ duy nhất CTG xanh nhạt. Đáng kể các mã lớn như VCB, TCB, VPB, hay MBB, ACB, VIB đang ghi nhận mức giảm trên dưới 2%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán dù không còn nóng như những phiên trước đây nhưng vẫn là điểm tích cực của thị trường khi nhiều mã như VIX, SSI, FPT, TVS, AGR, BVS, BSI… vẫn giao dịch sắc xanh, thậm chí các mã như APG, DSC, SHS đang đứng tại mức giá trần.

Hôm nay (23/8) là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%, bán ưu đãi cổ phiếu tỷ lệ 2:1, nên cổ phiếu SHS đã thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu. Ngay khi mở cửa, cổ phiếu SHS đã lội ngược dòng tích cực và nhanh chóng được kéo trần trong trạng thái trắng bên bán.

Không chỉ dòng bank, nhiều mã lớn đầu ngành xây dựng và bất động sản, sản xuất, công nghệ thông tin, bán buôn… như VIC, VRE, HPG, MSN, VNM, SAB, FPT, MWG cũng đang điều chỉnh nhẹ.

Điểm sáng trong phiên sáng nay chính là nhóm cổ phiếu phân bón đang đồng loạt khởi sắc, đi ngược xu hướng chung của thị trường. Tại thời điểm này, bên cạnh các mã DPM, DCM, BFC, LAS đang tăng trên dưới 3%, DDV tăng trên dưới 8%...

Áp lực bán gia tăng mạnh trong 30 phút cuối phiên khiến thị trường lùi sâu, thậm chí chỉ số VN-Index thủng mốc 1.310 điểm rồi bật nhẹ lên ngưỡng kháng cự này trước khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 282 mã giảm và chỉ 98 mã tăng, VN-Index giảm 18,08 điểm (-1,36%), xuống 1.311,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 430,2 triệu đơn vị, giá trị 14.154,81 tỷ đồng, giảm 31,58% về khối lượng và 28,47% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 20/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18triệu đơn vị, giá trị 626 tỷ đồng.

Sau thời gian ngắn đầu phiên phân hóa, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã đồng loạt khởi sắc và là điểm nhấn của thị trường. Không còn mã nào trong nhóm này giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể nhiều mã như TVS, APG, AGR chốt phiên trong sắc tím; CTS tăng sát trần; VDS, FTS tăng hơn 4%, VIX tăng gần 4%... hay các mã lớn như HCM và VCI cũng tăng hơn 1%.

Ngoại trừ điểm sáng trên, các nhóm khác trong ngành tài chính và bảo hiểm hầu hết đều tác động tiêu cực tới thị trường. Đáng kể là dòng bank, ngoại trừ CTG vẫn xanh nhạt với mức tăng chỉ hơn 0,5%, còn lại đều nới rộng đà giảm với VCB giảm 2,4%, TCB và VPB cùng giảm gần 2%, các mã khác như MBB, ACB, STB, HDB, SSB, TPB, MSB giảm hơn 2%; OCB, LPB và VIB giảm hơn 3%...

Ở nhóm xây dựng và bất động sản, cổ phiếu đầu ngành VIC tiếp tục lùi sâu khi ghi nhận mức giảm hơn 1,5%; các mã khác như KDH, VRE, IJC giảm trên dưới 2%; PDR, DXG, HBC, ASM… giảm trên dưới 3%.

Trong ngành sản xuất, các mã lớn như HPG, VNM, SAB, GVR đều giảm hơn 1%, đáng kể có MSN giảm 3,59% xuống mức 129.000 đồng/CP, là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30.

Trong nhóm VN30, chỉ còn 3 mã xanh nhạt gồm CTG, SSI, NVL và 1 mã đứng giá là VHM, còn lại đều ghi nhận mức giảm trên 1%.

Bên cạnh xu hướng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu phân bón cũng “nguội” hơn sau nhịp kéo đầu phiên. Các mã DPM, DCM, BFC, TSC, LAS chỉ còn giữ mức tăng trên dưới 2%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý là FLC đi ngược xu hướng chung khi có phiên khởi sắc. Tạm chốt phiên sáng nay, FLC tăng 1% lên mức 10.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 9,64 triệu đơn vị.

Thanh khoản vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là dòng bank. Cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản là HPG khớp 16,42 triệu đơn vị; tiếp theo đó là TCB, STB và MBB cùng khớp hơn 12 triệu đơn vị; ngoài ra còn có CTG khớp gần 11,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip nhưng với áp lực bán trên diện rộng, thị trường vẫn rung lắc và chốt phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 67 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,27%) xuống 337,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 99,2 triệu đơn vị, giá trị 2.366,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 319 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán cũng là nhóm tỏa sáng nhất của thị trường, trong đó SHS vẫn giữ vững đà tăng trần cùng sự góp mặt của một số mã khác như EVS, VIG, WSS; ngoài ra MBS tăng 3,4% lên 37.000 đồng/CP, BVS tăng 6,3% lên 35.400 đồng/CP, BSI tăng 6,23% lên 29.000 đồng/CP, VND tăng 1,3% lên 53.700 đồng/CP…

Không chỉ tăng mạnh về giá, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch sôi động với VND dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, đạt 8,95 triệu đơn vị. Ngoài ra, ART khớp 5,1 triệu đơn vị, SHS khớp 4,92 triệu đơn vị, MBS khớp 4,25 triệu đơn vị, APS khớp 3,39 triệu đơn vị, VIG khớp hơn 3 triệu đơn vị, đều nằm trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường.

Trong khi đó, nhiều mã lớn khác gia tăng sức ép lên thị trường như PVS giảm 2% xuống 24.500 đồng/CP, SHB giảm 2,8% xuống 27.600 đồng/CP, IDC giảm 3,4% xuống 37.000 đồng/CP, PAN giảm 3,8% xuống 28.000 đồng/CP, BAB giảm 2,7% xuống 22.000 đồng/CP…

Trên UPCoM, áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường giảm sâu.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 1,34 điểm (-1,45%), xuống 91,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,38 triệu đơn vị, giá trị 1.076 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,8 triệu đơn vị, giá trị 18,15 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục giảm mạnh 5,5% xuống mức 17.300 đồng/CP, nhưng vẫn giao dịch sôi động nhất trên UPCoM, đạt hơn 8,3 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, các cổ phiếu chứng khoán như SBS, ORS, AAS tăng khá tốt, cùng DSC, TCI, VFS, BMS khoe sắc tím. Trong đó, SBS tăng 6,4% lên 16.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt xấp xỉ 6,7 triệu đơn vị.

Trong số cổ phiếu đáng chú ý trên UPCoM, DDV tiếp tục là điểm nhấn khi duy trì đà tăng mạnh về giá và thanh khoản. Chốt phiên, DDV đứng tại mức giá 18.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 3,92 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan