Giao dịch chứng khoán sáng 23/6: Nhóm ngân hàng gồng gánh thị trường

Giao dịch chứng khoán sáng 23/6: Nhóm ngân hàng gồng gánh thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi VN-Index tiến về vùng 1.390 điểm, lực bán mạnh được tung vào không chỉ khiến chỉ số lao thẳng đứng, mà còn khiến HOSE bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, VN-Index tránh được phiên giảm sâu.

Trong phiên giao dịch hôm qua, VN-Index 2 lần thử thách ngưỡng kháng cự 1.385 điểm nhưng đều thất bại và bị ép về cuối phiên, đóng cửa dưới mức 1.380 điểm. Dù vẫn giữ được mức đỉnh lịch sử trên 1.375 điểm, nhưng điểm trừ là thanh khoản của thị trường giảm dần và số mã giảm chiếm ưu thế so với số mã tăng.

Dự trên phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán ASEAN cho rằng, đồ thị ngày VN-Index trong phiên 22/6 xuất hiện cây nến đỏ nhỏ dạng Doji thứ hai tại vùng đỉnh 1.370 - 1.380 điểm là tín hiệu khá tiêu cực.

Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý mô hình ‘Tri-star Doji’, cho tín hiệu đảo chiều giảm giá tại vùng đỉnh.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), dù xuất hiện cây nến Doji đỏ, nhưng chỉ số vẫn tiếp tục đóng cửa trên vùng đỉnh cũ tại giá trị 1.375 điểm và đóng cửa trên mốc EMA(5), cho thấy xu hướng tăng giá vẫn đang tiếp diễn.

Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ tăng dần đều lên vùng 1.390 - 1.400 điểm là ngưỡng kháng cự fibonanci mở rộng 127,2% tính từ vùng đáy tháng 3 của thị trường.

Đúng như dự báo lạc quan của TVSI, thị trường mở cửa phiên sáng nay tiếp tục duy trì đà tăng, VN-Index một lần nữa thử thách ngưỡng 1.385 điểm để hướng tới vùng 1.390 - 1.400 điểm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tình trạng xanh vỏ đỏ lòng tái diễn khi số mã giảm chiếm thế áp đảo so với số mã tăng (gấp gần 2 lần).

Điều này cho thấy, dòng tiền đã trở lại với nhóm cổ phiếu bluechip sau khi chốt lời để lướt sóng ở nhóm cổ phiếu Midcap và Penny.

Trong nhóm ngân hàng, phải kể đến VCB, "anh cả" của ngành đã lên tiếng khi vượt đỉnh ở vùng 108.000 đồng/CP, có thời điểm lên ngưỡng 111.000 đồng/CP. Nếu duy trì mức giá này hết phiên sẽ hứa hẹn bước vào chu kỳ tăng giá, dẫn dắt nhóm ngành ngân hàng vượt lên như đã từng làm nhiều lần trong quá khứ.

Nhóm chứng khoán cũng đồng loạt có sắc xanh, trong đó HCM tăng mạnh hơn 4%, tiếp đến là CTS hơn 3%, AGR, SSI, VDS, FTS… cũng có mức tăng khá.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí và bất động sản đang chịu áp lực lớn nên quay đầu điều chỉnh.

Với sự trợ giúp đắc lực của VCB, VN-Index đã thẳng tiến vượt qua vùng kháng cự 1.380 - 1.385 điểm để tiến lên vùng kháng cự tiếp theo 1.390 - 1.395 điểm. Tuy nhiên, khi chưa kịp tới mốc 1.390 điểm, lực bán đã ồ ạt được tung vào, khiến VN-Index quay đầu rơi thẳng đứng xuống dưới ngưỡng 1.375 điểm.

Không chỉ khiến VN-Index có cú rơi gần 15 điểm, mà lực cung ồ ạt tung ra trong khoảng thời gian ngắn cũng đã khiến sàn HOSE bị tắc nghẽn. Sau khi VN-Index lao thẳng từ vùng đỉnh của phiên về dưới tham chiếu lúc khoảng 11h05, hiện tượng nghẽn đã xảy ra khi chỉ số và thanh khoản chung của thị trường đứng hình bảng 20 phút và chỉ thông suốt lại 5 phút trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, VN-Index giảm 5,4 điểm (-0,39%), xuống 1.374,57 điểm với 79 mã tăng, trong khi có tới 304 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 445,6 triệu đơn vị, giá trị 13.521,4 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28 triệu đơn vị, giá trị 742,9 tỷ đồng.

Đà giảm của VN-Index có thể còn mạnh hơn, thậm chí vùng hỗ trợ 1.370 - 1.375 điểm không thể giữ được nếu không có sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn như VCB, CTG, VPB, BID, CTG. Tuy nhiên, nhóm này cũng đã có sự phân hóa, chứ không tăng đồng loạt như nửa đầu phiên.

Trong đó, tăng mạnh nhất là VPB, nhưng cũng chỉ còn tăng 3,5% lên 68.300 đồng, khớp 25 triệu đơn vị, dù có lúc tăng hơn 5%. Tiếp đến là CTG tăng 1,5% lên 52.700 đồng, khớp 12,3 triệu đơn vị. VCB tăng 1,3% lên 109.000 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị. Cả CTG và VCB có lúc đã tăng hơn 3%. Dù hãm đà tăng, nhưng với việc VIC giảm 0,6% xuống 116.800 đồng, VCB đã vươn lên lấy lại vị trí số 1 về vốn hóa trên thị trường.

Các mã tăng hơn 1% có BID và TCB, dù có lúc BID cũng tăng hơn 3%, còn TCB tăng hơn 2,3%. Các mã ACB, VIB, TPB chỉ còn mức tăng khiêm tốn, trong khi HDB, MSB trở lại mức giá tham chiếu.

Trong khi đó, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn, không chỉ mỗi SSB như nửa đầu phiên. Trong đó, LPB là mã giảm mạnh nhất khi mất 1,4% xuống 29.000 đồng, khớp hơn 2,6 triệu đơn vị. SSB, STB, MBB, EIB và OCB cũng đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó STB và MBB khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng hạ nhiệt tương tự, trong đó HCM vẫn là mã tăng mạnh nhất 3,4% lên 46.000 đồng, tiếp đến là CTS tăng 1,6% lên 22.350 đồng, AGR tăng 1,1% lên 13.450 đồng, SSI tăng 1% lên 50.000 đồng. Trong khi đó, VCI giảm 1% xuống 52.000 đồng.

Nhóm dầu khi cũng đều đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Trong các mã lớn khác, ngoài VIC, có VHM và GVR giảm mạnh hơn 2%, các mã MSN, FPT, MWG, BCM, BVH giảm hơn 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục bị bán mạnh và đồng loạt giảm giá, trong đó FLC tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 4,5% xuống 13.900 đồng, khớp 25,5 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE về thanh khoản. Các mã AAA, HQC, HNG, DLG, ROS, ITA, KBC, HAG… cũng đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ có FIT và SCR tăng giá, trong đó FIT tăng 3,9% lên 14.550 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị, còn SCR tăng không đáng kể.

Trên sàn HNX, lực bán mạnh cuối phiên cũng đẩy chỉ số chính của sàn này xác lập đáy của phiên trước khi nảy nhẹ trở lại khi đóng cửa.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,43 điểm (-0,45%), xuống 315.66 điểm với 56 mã tăng trong khi 136 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80 triệu đơn vị, giá trị 1.866,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, trong các nhóm đáng chú ý như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, chỉ còn lác đác vài mã chứng khoán xanh như VND, SHS, MBS, còn lại đều giảm giá.

Trong đó, SHB giảm 0,74% xuống 27.000 đồng, khớp 8,7 triệu đơn vị. PVS giảm 1,97% xuống 29.900 đồng, khớp 10,5 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu lớn khác, ngoài SHB và PVS, chỉ có THD tăng nhẹ, còn lại BAB, VCS, IDC, VCS, PVI đều giảm giá.

Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tương tự như 2 sàn niêm yết khi lao mạnh vào ít phút cuối phiên, đóng cửa trong sắc đỏ dù phần lớn thời gian của phiên sáng dao động trên tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,27%), xuống 89,86 điểm với 101 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,4 triệu đơn vị, giá trị 1.474 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 14 triệu đơn vị, giá trị 320 tỷ đồng.

Trên sàn này đáng chú ý sáng nay chính là AAS khi vẫn duy trì mức trần 15.700 đồng, thanh khoản đạt 5,5 triệu đơn vị. Một mã chứng khoán khác là SBS cũng tăng tốt 7,5% lên 14.300 đồng, khớp 6,4 triệu đơn vị. Hai 2 ngân hàng trên UPCoM là BVB và ABB cũng đều tăng 3,6% và 3,7% lên 22.800 đồng và 22.700 đồng, thanh khoản đều trên 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR đóng cửa giảm 3,2% xuống 21.100 đồng, khớp 15,3 triệu đơn vị, vẫn đứng đầu thị trường.

Tin bài liên quan