Giao dịch chứng khoán sáng 23/11: Áp lực chốt lời gia tăng, VN-Index vẫn đứng vững

Giao dịch chứng khoán sáng 23/11: Áp lực chốt lời gia tăng, VN-Index vẫn đứng vững

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng khiến thị trường rung lắc, nhưng chỉ số VN-Index cuối cùng vẫn giữ được sắc xanh trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Sau những phiên lao dốc mạnh những ngày cuối cùng của tháng 10, thị trường đã hồi phục và diễn biến tích cực trong tháng 11. Tính trong 15 phiên giao dịch đầu tháng 11, chỉ số VN-Index đã tăng gần 65 điểm, tương ứng tăng gần 7%.

Trong tuần giao dịch vừa qua, cùng dòng tiền nội chảy mạnh mẽ, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã trở lại trạng thái mua ròng với những phiên đạt hàng trăm tỷ đồng và tính chung cả tuần đã mua ròng khoảng 380 tỷ đồng. Đây là những động lực chính tiếp thêm sức mạnh giúp VN-Index tiến bước và chinh phục thành công mốc 990 điểm.

Với bối cảnh tình hình vĩ mô tiếp tục ổn định và thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế, cùng dòng vốn chảy mạnh vào kênh chứng khoán khiến hầu hết giới phân tích đánh giá đà “thăng hoa” của thị trường được dự báo tiếp tục duy trì và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS, không phải nói 1,2 tuần mà có thể ngay trong tuần tới VN-Index có thể tái lập mốc 1000 điểm ngay. TTCK Việt Nam chưa bao giờ lại có cơ hội tốt như hiện nay khi kinh tế đã khởi sắc, quy mô TTCK đã tăng nhiều so với giai đoạn năm ngoái.

Mốc 1000 điểm cho dù là ngưỡng kháng cự mạnh nhưng không phải là khó vượt qua. Mốc 1040 - 1080 điểm có thể là đích đến của thị trường trong đợt này.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 23/11, mặc dù giao dịch khá thăm dò nhưng một số bluechip vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.

Đà tăng kém bền vững khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng. Tuy vậy, ngay khi rơi xuống mốc 985 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên dù sắc đỏ vẫn chiếm phần áp đảo trên bảng điện tử.

Trong đó, điểm tựa chính của thị trường là cổ phiếu lớn VHM. Nhà đầu tư đua mua VHM ngay từ đầu phiên giúp cổ phiếu này giao dịch khởi sắc cả về giá và thanh khoản. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, VHM tăng 2,2% lên mức 80.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, sự đơn độc của thành viên nhà Vingroup này cùng diễn biến anh vỏ đỏ lòng, đã khiến VN-Index kém bền vững và trở lại trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Mặc dù thị trường diễn biến phân hóa khá mạnh, nhưng giao dịch khởi sắc ở một số cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index trở lại trên vùng giá 990 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 210 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index tăng 1,72 điểm (+0,17%), lên 991,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 288 triệu đơn vị, giá trị 5.637,49 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,84% về khối lượng và tăng 5,78% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 20/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,48 triệu đơn vị, giá trị 265,4 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn hỗ trợ tốt cho đà hồi phục của thị trường như VHM tăng 2,42% lên 80.400 đồng/CP, GAS tăng 1,83% lên 83.300 đồng/CP, HPG tăng 2,66% lên mức cao nhất ngày 36.650 đồng/CP.

Trong khi đó, sau màn tăng khá tốt hồi đầu phiên, cổ phiếu MSN đã giật lùi và có lúc về mốc tham chiếu. Tạm chốt phiên sáng, MSN chỉ nhích nhẹ hơn 0,1%.

Trái lại, các mã lớn như VNM, VIC, SAB, PLX hay các cổ phiếu ngân hàng VCB, TCB, BID, CTG đều điều chỉnh nhẹ với mức giảm trên dưới 0,5%.

Mặc dù đã hạ nhiệt so với phiên cuối tuần trước, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới mốc tham chiếu nhưng lực cầu sôi động tiếp tục giúp TCH có phiên khởi sắc. Chốt phiên, TCH tăng 3% lên 20.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 11,14 triệu đơn vị.

Ngoài ra,nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch tích cực về cuối phiên với SSI tăng 2,5% lên vùng giá cao nhất phiên 18.650 đồng/CP, HCM tăng 3,2% lên 24.200 đồng/CP, AGR tăng 3,3% lên 5.300 đồng/CP, VND tăng 2% lên 17.500 đồng/CP, hay trên HNX có SHS tăng 2,1% lên 14.500 đồng/CP, VIX tăng 8,3% lên 17.000 đồng/CP, ORS tăng 3,3% lên 9.300 đồng/CP, CTS tăng 2% lên 8.800 đồng/CP…

Về thanh khoản thị trường, cổ phiếu STB dẫn đầu sàn HOSE với 21,57 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên tăng 2,47% lên 14.500 đồng/CƠ; tiếp theo đó là HPG khớp lệnh 12,74 triệu đơn vị, HSG và TCB cùng khớp hơn 11 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu TTF đã có phiên giao dịch ấn tượng khi xác lập mức giá trần 5.970 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,85 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau diễn biến rung lắc và liên tục đổi sắc ở giữa phiên, thị trường đã dần hồi phục và lấy lại đà tăng nhờ sự hỗ trợ của một số cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,38%), lên 17,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,14 triệu đơn vị, giá trị 544,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,1 triệu đơn vị, giá trị 106,54 tỷ đồng.

Sau việc ghi nhuận lợi nhuận quý III/2020 gấp 4 lần nhờ thoái vốn tại Công ty, mới đây, Vinaconex đã chuyển 35% vốn công ty điện cho Toyota Group, ngoài ra HĐQT Công ty còn đưa ra phương án tái cấu trúc phần vốn tại CTCP Siêu thị và Xuất nhập khẩu thương mại Việt Nam.

Diễn biến cổ phiếu VCG trong phiên nay khá khởi sắc, đặc biệt trong nửa cuối phiên. Cụ thể, với mức tăng 4,1%, cổ phiếu VCG chốt phiên sáng nay tại mức giá 42.900 đồng/CP và khớp hơn 0,41 triệu đơn vị.

Đặc biệt, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX là THD. Cổ phiếu THD đã có màn bứt phá ngoạn mục và xác lập mức giá trần 104.100 đồng/CP với mức tăng 9,9%, đã đóng góp tích cực vào đà tăng của chỉ số chung của thị trường.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng có xu hướng đi ngược khi ACB, SHB và NVB đều giảm 100 đồng/CP. Tuy nhiên, ACB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với hơn 6,32 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng khá ổn định trong suốt cả phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,26%), lên 66,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,34 triệu đơn vị, giá trị 283,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,8 triệu đơn vị, giá trị 5,52 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất UPCoM gồm BSR đạt 4,52 triệu đơn vị, PWA đạt 1,68 triệu đơn vị và các mã G36, VGI và LTG cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan