Giao dịch chứng khoán sáng 22/3: Cổ phiếu nhà FLC bùng nổ

Giao dịch chứng khoán sáng 22/3: Cổ phiếu nhà FLC bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch không mấy thuận lợi khiến thị trường biến động giằng co khi tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm, thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại nổi lên nhiều điểm nóng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhà FLC.

Bất chấp áp lực bán ồ ạt của khối ngoại với giá trị bán ròng tính chung trong tuần qua lên tới hơn 3.200 tỷ đồng với tâm điểm bán ròng là các cổ phiếu lớn và bluechip, thị trường tiếp tục có thêm một tuần tăng điểm. Đáng kể trong phiên 18/3, chỉ số VN-Index đã vượt thử thách 1.200 điểm.

Tuy nhiên, đây là lần thứ 2 trong năm nay VN-Index chạm mốc 1.200 điểm nhưng vẫn chưa thể dứt khoát bứt phá. Chỉ số này đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/3 do áp lực bán gia tăng.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB, lần tiếp cận 1.200 điểm vừa qua cho thấy chỉ số VN-Index đã đi ngang khá lâu nhưng chưa tạo ra cú bứt phá. Nếu muốn bứt phá mạnh nó cần lực cầu rất mạnh hấp thụ hết lực cung, nhưng đáng tiếc việc nghẽn lệnh đã khiến cho điều này trở thành khó. Vì thế với nhịp điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần qua tôi cho rằng việc vượt qua mốc 1.200 điểm dứt khoát hơn vào tuần tới gặp khó khăn.

Dự báo về diễn biến thị trường trong tuần cuối này, BVSC cho rằng, thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần, trước khi hồi phục tăng điểm về cuối tuần. VN-Index có thể tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.185-1.190 điểm trong phiên kế tiếp trước khi cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 22/3, lực cầu tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục sắc xanh và chỉ số VN-Index tiến tới mốc 1.200 điểm.

Tuy nhiên, một lần nữa chứng tỏ đây là ngưỡng kháng cự mạnh bởi ngay khi tiếp cận vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường dần thu hẹp biên độ. Sau hơn 1 giờ giao dịch, lực bán tiếp tục dâng cao và hướng tới nhóm cổ phiếu bluechip khiến nhiều mà lớn quay đầu, gia tăng áp lực lên thị trường và đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu.

Nhưng lực cầu bắt đáy nhập cuộc sôi động khi VN-Index thủng mốc 1.190 điểm đã giúp thị trường bật ngược đi lên và áp sát mốc tham chiếu.

Tâm điểm đáng chú ý là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, cặp đôi nhà FLC là FLC và ROS vẫn vững vàng đi lên với giao dịch sôi động, với FLC tăng 6,6% lên sát trần 8.540 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 34 triệu đơn vị. Ngoài ra, HQC, AMD, HAI, ITA… cũng giao dịch khởi sắc.

Trong bối cảnh nhà đầu tư khá thận trọng khi thị trường tiệm cận vùng đỉnh lịch sử cùng sức ép đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index không giữ nổi sắc xanh và lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 167 mã tăng và 282 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,19 điểm (-0,02%), xuống 1.193,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 538,65 triệu đơn vị, giá trị 11.973,42 tỷ đồng, tăng 1,54% về khối lượng và giảm 7,84% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 19/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 685 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, hầu hết đã chuyển sang sắc đỏ do áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh, trong đó các mã MBB, STB, TCB, EIB, VIB có mức giảm trên 1%, các mã HDB, BID, VPB, TPB, ACB giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ngoại trừ bộ 3 cổ phiếu giao dịch khởi sắc gồm VCB tăng 3% lên 97.000 đồng/CP, CTG tăng 1,9% lên 41.200 đồng/CP, LPB tăng 1,8% lên 16.600 đồng/CP, OCB tăng 1,6% lên 25.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, hàng loạt mã lớn khác cũng giao dịch không mấy tích cực như VIC, VNM, GAS, HPG, MSN đều giảm 0,5 – 1%, FPT giảm 1,3% xuống 78.800 đồng/CP…

Trong nhóm VN30, cổ phiếu TCH sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ đã hồi phục thành công khi tăng 1,1%, tạm đứng tại mức giá 23.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 3,3 triệu đơn vị.

Cặp đôi cổ phiếu FLC và ROS vẫn là điểm nhấn thị trường. Trong đó, FLC tiếp tục nóng bỏng rẫy khi nhanh chóng lấy lại sắc tím và chốt phiên sáng nay ở mức giá 8.580 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt hơn 45 triệu đơn vị và dư mua trần chất đống, tới hơn 32,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ROS cũng áp sát mức giá trần khi tăng 6,5% lên mức 4.280 đồng/CP và khớp lệnh hơn 30 triệu đơn vị, chỉ thua FLC về thanh khoản.

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu penny, HQC đã lấy lại phong độ khi có thời điểm tăng trần và tạm chốt phiên sáng nay tăng 5% lên 3.140 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,87 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên le lói sắc xanh, áp lực bán đã khiến HNX-Index quay đầu đi xuống.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 70 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index giảm 2,03 điểm (-0,73%), xuống 275,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 82,59 triệu đơn vị, giá trị 1.242,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 24,32 triệu đơn vị, giá trị hơn 450,1 tỷ đồng, trong đó SHB thỏa thuận 22,32 triệu đơn vị, giá trị 396,96 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng trên sàn HNX đều mất giá, trong đó, BAB giảm 2,4% xuống 32.000 đồng/CP, SHB giảm 1,5% xuống 19.300 đồng/CP, NVB giảm 1,3% xuống 14.900 đồng/CP. Trong đó, SHB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 16,43 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn khác như THD, DTK, VIF, VCS, SHS… cũng giao dịch trong sắc đỏ, gia thêm gánh nặng cho thị trường.

Cùng với cặp đôi FLC và ROS, một thành viên khác trong gia đình FLC trên sàn HNX là KLF cũng giao dịch bùng nổ. Tạm chốt phiên sáng nay, KLF tiếp tục tăng trần lên mức 3.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 13,36 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau SHB.

Trên UPCoM, sau biến động giằng co nhẹ đầu phiên, UPCoM-Index cũng đi lùi về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,32%), xuống 81,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,78 triệu đơn vị, giá trị 708,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,21 triệu đơn vị, giá trị 244,55 tỷ đồng, trong đó SGB thỏa thuận 15,15 triệu đơn vị, giá trị 181,8 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu dầu khí trên thị trường niêm yết giao dịch không mấy thuận lợi thì trên UPCoM, cặp đôi lớn BSR và OIL vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đáng kể là BSR tăng 4,9% lên mức 17.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội so với các mã khác, đạt 10,28 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là người anh em OIL khớp 1,84 triệu đơn vị và tạm chốt phiên sáng nay tăng 2,8% lên 14.700 đồng/CP.

Trái lại, nhiều mã lớn ACV, VEA, MSR, VGI… đều giao dịch trong sắc đỏ.

Tin bài liên quan