Giao dịch chứng khoán sáng 22/12: Dòng tiền chuyển hướng, thị trường rung lắc

Giao dịch chứng khoán sáng 22/12: Dòng tiền chuyển hướng, thị trường rung lắc

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong khi nhiều mã bluechip chịu áp lực chốt lời, khiến VN-Index rung lắc, thì nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút dòng tiền mạnh, giúp thanh khoản thị trường đứng ở mức cao.

Trong phiên hôm qua, thị trường bật tăng ngay từ sớm, nhưng đã quay đầu khi vừa chạm mốc 1.080 điểm bởi áp lực chốt lời xuất hiện.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, dòng tiền chảy mạnh và lan tỏa mạnh đến nhiều nhóm cổ phiếu đã thúc đẩy VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.080 điểm khi đóng cửa.

Theo KBSV nhận định thì xung lực tăng điểm vẫn đang rất tích cực, tuy nhiên chúng tôi tiếp tục lưu ý một số chỉ báo động lượng có dấu hiệu suy giảm đà tăng sau khi đã ở trên vùng quá mua khá lâu, tạo rủi ro xuất hiện nhịp điều chỉnh gối đầu sau khi xác lập đỉnh ngắn hạn mới.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/12, áp lực rung lắc, điều chỉnh đã nhanh chóng xuất hiện khiến VN-Index đảo chiều liên tục quanh tham chiếu, tuy vậy, biên độ dao động của chỉ số là không cao, khi dòng tiền mạnh vẫn đang hỗ trợ tốt cho thị trường trong bối cảnh nhóm bluechip phân hóa mạnh.

Giao dịch hút nhà đầu tư thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi LCG, TDH, ASM, VND, TSC, APG, BCG, EVG, EIB, TDC, CTS, JVC…đã nhanh chóng tăng kịch trần từ rất sớm đi kèm thanh khoản cao.

Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản liên quan đến khu công nghiệp như TIP, IJC, GVR khi cũng đã tăng hết biên độ, trong đó, GVR khớp hơn 1,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 0,9 triệu đơn vị.

Ngoài ra, khi leo lên sắc tím tại 28.950 đồng/cổ phiếu, GVR đã lọt vào top 10 mã vốn hóa cao nhất thị trường với 115.800 tỷ đồng.

Giằng co vẫn là diễn biến chủ đạo của VN-Index trong suốt cả phiên với áp lực phân hóa cao trên bảng điện tử, tuy vậy, giao dịch vẫn rất sôi động đang tạo tâm lý tích cực trên thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 213 mã tăng và 211 mã giảm, VN-Index giảm 2,38 điểm (-0,22%), xuống 1.078,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 451,4 triệu đơn vị, giá trị 8.934,5 tỷ đồng, tương đương so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 832,4 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn, bluechip phân hóa mạnh, phần lớn dao động trong biên độ hẹp, trừ EIB, khi tăng kịch trần +6,8% lên 19.650 đồng, khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, đáng kể khác còn có SBT +3,1% lên 21.450 đồng, khớp hơn 2,9 triệu đơn vị, SSI +1,9% lên 29.200 đồng, KDH +2% lên 28.650 đồng, TPB +4% lên 27.650 đồng.

Sắc xanh khác chỉ còn tại HPG +1,2% lên 39.000 đồng, PNJ +0,5% lên 77.700 đồng; STB +1,2% lên 17.200 đồng, còn NVL, CTG nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, VPB -2% xuống 32.300 đồng, POW -1,7% xuống 11.800 đồng, VJC -1,4% xuống 124.000 đồng, GAS -1,5% xuống 85.000 đồng, VCB -1,2% xuống 97.700 đồng, trong khi VIC, VHM, VNM, SAB, TCB, VRE, MSN…giảm nhẹ.

Thanh khoản kể trên STB dẫn đầu với hơn 27,6 triệu đơn vị khớp lệnh và cũng cao nhất HOSE. Tiếp theo là MBB khi có 16,8 triệu đơn vị, nhưng MBB chỉ dừng ở tham chiếu 23.250 đồng, HPG có hơn 15 triệu đơn vị, TCB có 12,6 triệu đơn vị, POW, SSI có gần 10 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó, chủ yếu là các cổ phiếu vật liệu, xây dựng, bất động sản khu công nghiệp tăng kịch trần như LCG, TDH, ASM, VOS, APG, GVR, TSC, BCG, EVG, TDC, IJC, JVC, TLD, trong đó, LCG khớp lệnh cao nhất với hơn 10 triệu đơn vị.

Còn GVR và TSC dư mua giá trần hơn 900.000 đơn vị, JVC dư mua giá trần hơn 3,1 triệu đơn vị. Các mã còn lại cũng có lượng dư mua giá trần vài trăm nghìn đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu cũng là diễn biến chính của HNX-Index từ sớm cho đến khi kết phiên.

Tương tự trên HOSE, khi nhóm cổ phiếu nhỏ trên HNX cũng nổi sóng và tăng kịch trần với ART, SPI, KLF, MPT, DS3, BII, VIG, HHG, WSS, HBS LUT, VHE, PVL.

Ở các mã lớn, giao dịch đáng kể tại SHB +1,7% lên 18.200 đồng, SHS +1,1% lên 19.200 đồng, MBS +3,3% lên 15.800 đồng, PLC +3,1% lên 26.300 đồng, TAR +1,4% lên 22.300 đồng, còn PVS -1,2% xuống 16.200 đồng, VIX -0,9% xuống 23.400 đồng, TNG -1,9% xuống 15.400 đồng, trong khi NVB, CEO đứng tham chiếu.

Thanh khoản SHB cao nhất sàn khi có hơn 11,7 triệu đơn vị khớp lệnh. HUT có hơn 5,6 triệu đơn vị, nhóm MBG, SHS, PVS và CEO có từ 4 triệu đến 4,9 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 61 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 1,57 điểm (+0,86%), 183,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 70 triệu đơn vị, giá trị 898,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 18 triệu đơn vị, giá trị 293,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng từ sớm và liên tục đi lên và tạo đỉnh về cuối phiên, trước khi hạ độ cao đôi chút vào những phút cuối do áp lực chốt lời nhẹ.

Nhóm cổ phiếu có giao dịch cao nhất ngoài BSR đứng tham chiếu và CTR, VOC giảm, thì còn lại đều kết phiên trong sắc xanh như BVB, OIL VGI, MSR, C4G, G36, LTG, DRI, ORS, MIG, DVN, VEA…thậm chí AAS, SBS, PFL, KSH còn tăng kịch trần.

Trong đó với SBS, đây đã là phiên thứ 10 liên tiếp cổ phiếu này tăng kịch trần.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,94 điểm (+1,31%), lên 72,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,97 triệu đơn vị, giá trị 484,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,91 triệu đơn vị, giá trị 43 tỷ đồng.

Tin bài liên quan