Giao dịch chứng khoán sáng 22/10: Thiếu trụ đỡ, thị trường tiếp tục giảm điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 22/10: Thiếu trụ đỡ, thị trường tiếp tục giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhóm cổ phiếu trụ cột chưa lên tiếng, trong khi sắc đỏ vẫn đang lan rộng trên bảng điện tử khiến VN-Index nhanh chóng rơi xuống dưới tham chiếu.

Trong phiên hôm qua, áp lực chốt lời đã xuất hiện ngay từ sớm, nhưng nhờ có sự nâng đỡ của một số mã ngân hàng cùng một vài mã lớn khác nên VN-Index chỉ chớm đỏ.

Lực bán tiếp tục gia tăng và lan rộng sau giờ nghỉ trưa khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử khiến VN-Index rơi xuống 939 điểm khi đóng cửa.

Theo MBS nhận định thì việc thị trường điều chỉnh là hoàn toàn bình thường trong quá trình tăng điểm vừa qua, đặc biệt là nhóm VN30 đang có chuỗi tăng dài nhất kể từ 11/6/2018.

Thông thường, sau quá trình bứt phá khỏi vùng tích lũy thì những quãng nghỉ điều chỉnh để rũ bớt hàng lỏng lẻo, hoặc tái tích lũy là cần thiết để thị trường có thể tăng bền vững hơn.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/10, thị trường nhanh chóng mất điểm ngay khi mở cửa do sắc đỏ tiếp tục chi phối bảng điện tử.

Trong khi đó, những trụ đỡ vẫn chưa xuất hiện mà chỉ lác đác vài cổ phiếu xanh nhạt như MSN, PNJ, VPB đã khiến VN-Index rung lắc khá mạnh dưới tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng đa số mất điểm, một số còn tăng với thanh khoản tương đối cao như ITA, HSG, KBC, TTF, TTB, TLD…

Đáng kể, cổ phiếu CSV tăng kịch trần rất sớm lên 31.100 đồng với khối lượng giao dịch hơn nửa triệu đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch, cải thiện đáng kể so với thời gian gần đây.

Sau nửa đầu phiên nỗ lực trở lại tham chiếu nhưng bất thành, áp lực bán tiếp tục gia tăng và mạnh lên khiến VN-Index nhanh chóng lùi sâu, và chỉ khi về gần 933 điểm, chỉ số mới nảy trở lại nhờ một số bluechip thu hẹp đà giảm, nhưng không đủ để giúp chỉ số tránh phiên mất điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 137 mã tăng và 251 mã giảm, VN-Index giảm 2,29 điểm (-0,24%), xuống 936,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 200,3 triệu đơn vị, giá trị 3.827,8 tỷ đồng, giảm hơn 7% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,6 triệu đơn vị, giá trị 359,4 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu bluechip phần lớn giảm điểm, nhưng gần như tất cả chỉ giảm nhẹ dưới 1% như VIC -0,3%; VCB -0,7%; VNM -0,6%, còn BID, GAS, SAB, TCB, STB mất chỉ hơn 0,4%...

Ở chiều ngược lại, tăng điểm cũng không đáng kể như MSN +0,8% lên 84.400 đồng; VPB +0,8% lên 25.300 đồng; MWG +0,5% lên 106.300 đồng. Nhích hơn 1% chỉ có POW khi +1,5% lên 10.300 đồng.

Giao dịch đáng kể nhất tại TCB, khi thanh khoản cao nhất nhóm, đồng thời cũng dẫn đầu HOSE với hơn 13,3 triệu đơn vị. Một mã ngân hàng khác là STB theo ngay sau với hơn 10,6 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, không còn nhiều mã tăng như ITA, HSG, DXG, TTF, TTB, OGC, trong đó, ITA khớp hơn 6,37 triệu đơn vị, tăng 1,2% lên 5.110 đồng.

Đáng chú ý ở một số cổ phiếu khác có CSV, khi đứng vững ở mức giá trần 31.100 đồng, khớp gần 600.000 đơn vị; TDG cũng tăng hết biên độ lên 2.710 đồng, khớp hơn 400.000 đơn vị; SJS +7% lên 24.600 đồng, khớp hơn 200.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, chỉ số HNX-Index đã bật hẳn lên nhờ một số mã lớn như ACB, VCG, PVI tăng tốt.

Theo đó, ACB +1,6% lên 25.600 đồng; VCG +1,9% lên 43.400 đồng; PVI +1,4% lên 29.900 đồng. Cùng sự hỗ trợ từ SRA +2,5% lên 16.200 đồng; TAR +0,9% lên 21.700 đồng; VCS +0,8% lên 75.800 đồng.

Ở chiều ngược lại, giảm điểm là PVS -0,7% xuống 13.800 đồng; NVB -1,1% xuống 9.000 đồng; SHS -0,8% xuống 13.300 đồng, cùng sắc đỏ khác tại TVC, BVS, PLC, IDJ…

Trong khi CEO, SHB, VIX, NDN, GKM, ART, HUT, KLF đứng ở tham chiếu.

Thanh khoản dẫn đầu sàn vẫn là ACB với hơn 7,56 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo là SHS với hơn 2,41 triệu đơn vị; MBG có 1,92 triệu đơn vị; PVS có 1,82 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 35 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,52%), lên 140,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,92 triệu đơn vị, giá trị 408,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị 7,36 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp rơi ngay khi mở cửa và với áp lực bán chung trên toàn thị trường vẫn hiện hữu, chỉ số chỉ đi ngang sau đó dưới vùng giá thấp.

Gần như toàn bộ các cổ phiếu có thanh khoản cao nhất đều giảm, trừ BSR và G36, DVN đứng tham chiếu.

LPB vẫn được giao dịch lớn nhất với gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 0,8% xuống 12.300 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,32%), xuống 63,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,6 triệu đơn vị, giá trị 141,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,21 triệu đơn vị, giá trị 61,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan